Tụt hậu thu hút FDI

Việt Nam đang tụt hậu trong thu hút nguồn vốn FDI

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang gặp nhiều thách thức từ các nước có nguồn FDI tăng trưởng vượt bậc, trong đó, chất lượng lao động là một thách thức lớn.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tại Việt Nam tiếp tục tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2012, đạt 5,7 tỷ USD. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ tăng này chưa nói lên được điều gì, vì các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức từ các quốc gia có nguồn FDI tăng trưởng vượt bậc như Thái Lan, Indonesia…

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chống tham nhũng… thì chất lượng lao động đang là thách thức lớn cho Việt Nam trong việc phát triển và thu hút FDI lên tầm cao hơn nữa.

Chênh lệch từ bước xuất phát


Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro) chỉ ra rằng nếu đến thời điểm năm 1987, Việt Nam mới có luật đầu tư nước ngoài thì từ 27 năm trước (1960), Thái Lan đã bắt đầu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài. Sự chênh lệch về bước xuất phát trong gần 30 năm qua là một phần nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tình hình thu hút FDI của hai nước. Jetro cho biết hiện tại, giá trị FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Thái Lan lớn hơn gần 3 lần so với Việt Nam.

Đại diện của Jetro cho rằng, Việt Nam nên họp tập kinh nghiệm và thể chế thu hút đầu tư nước ngoài của các nước phát triển trong khối ASEAN và đưa vào hành động thực tế. Hơn nữa, nếu Việt Nam muốn vượt qua trở ngại của một nước phát triển sau về mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và có thể phát triển kinh tế quốc gia vượt bậc, thì cần có những chính sách khích lệ việc mời gọi, trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng… và đặc biệt là nguồn nhân công ổn định, có kỹ năng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện khu vực FDI tạo ra công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động Việt Nam trong khu vực FDI còn rất thấp.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghệ cao mà thay vào đó, chủ yếu là hoạt động gia công, lắp ráp… có giá trị gia tăng thấp.

Thứ trưởng Đào Quang Thu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là hoạt động sản xuất hoạt động cuối cùng và thường là những công đoạn đơn giản của chuỗi giá trị như gia công, lắp ráp để xuất khẩu, trong khi những đầu vào trung gian đòi hỏi công nghệ chuyên sâu cao hơn thì nhập khẩu. Một số sản phẩm xuất khẩu được coi là công nghệ cao nhưng những khâu sử dụng công nghệ cao lại không thực hiện ở Việt Nam.

Thứ trưởng Đào Quang Thu ghi nhận, "đây là vấn đề khó khăn về thu hút công nghệ cao, phải thừa nhận là trình độ lao động, nhân lực có dồi dào nhưng lại chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thực tế. Do đó, Chính phủ cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, không những phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung mà cả các dự án đầu tư nước ngoài."

Về vấn đề này, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh, “thực sự, tôi thấy những vấn đề trong lĩnh vực đào tạo và thiếu lao động kỹ năng cao chính là rào cản bước tiến của Việt Nam phát triển lên tầm cao hơn trong thập kỷ tới.”

Cải cách đào tạo

Dẫn chứng cụ thể,  Đại sứ Đan Mạch thẳng thắn, nhiều công ty Đan Mạch tới Việt Nam, song khi họ cần lao động có kỹ năng cao hay những nhà quản lý cấp trung thì hầu như không tìm được đối tượng phù hợp ở Việt Nam và họ phải thuê người nước ngoài.

Nguyên nhân, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra, việc đào tạo kỹ thuật ở Việt Nam còn nặng về lý thuyết, ít thực hành nên khi tuyển dụng vào các doanh nghiệp FDI thường cần phải đào tạo bổ sung. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp kỹ thuật cao đòi hỏi lao động kỹ thuật số lượng lớn thì lại không tuyển dụng được lao động đáp ứng đủ số lượng và chất lượng.

“Như trường dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam hiện đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, theo kế hoạch đến năm 2015, Công ty này cần 28.000 nghìn lao động  trực tiếp nhằm đạt doanh thu xuất khẩu 16,5 tỷ USD,” vị đại diện trên cho biết.

Giải pháp trước mắt, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, với những lĩnh vực thiếu nguồn nhân lực, Chính phủ sẽ tạo những điều kiện cho các chuyên gia, lao động trình độ cao ở nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có những quy định ràng buộc, yêu cầu đối tác phải có kế hoạch đào tạo để thay thế dần bằng lao động Việt Nam.

“Ngoài ra, chúng tôi có nhiều quy định khác để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đào tạo nhân lực cho chính họ, như các khu công nghiệp là chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh đi cùng với hoạt động đầu tư cơ sở đào tạo để phục vụ cho nguồn nhân lực phát triển ổn định và lâu dài,” Thứ trưởng Thu nói.

Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, ngay lúc này Chính phủ cần sớm đưa ra các giải pháp và nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các quyết sách, nhằm thu hút đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực đào tạo tại Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa.

“Việt Nam đang thiếu lực lượng lao động có kỹ năng và cũng không thể thay đổi điều này trong một sớm một chiều. Song, Việt Nam cần sớm đưa ra những giải pháp và bắt tay ngay vào cải thiện hệ thống giáo dục, như thay vì cho sinh viên ra nước ngoài học tập thì Chính phủ mở cửa hợp tác đào tạo quốc tế ngay trong nước,” ông John Nielsen nói.

Ông David Whitehead, Chủ tịch Phòng Thương Mại Australia (AusCham) Hà Nội dẫn chứng, “phải mất 100 năm Đại học Harvard mới có thể phát triển chất lượng và nền giáo dục đẳng cấp thế giới, song đối với Việt Nam thì không thể đợi 100 năm như vậy. Bên cạnh đó, việc có quá ít chỗ học trong các nhà trường ở cấp phổ thông hiện đang là một vấn đề lớn và Việt Nam cần phải giải quyết sớm điều này.”

Theo ông David, hiện các nhà đầu tư trong nước đang thành lập khá nhiều trường đại học mới song vẫn rất tạm bợ. Do đó, ông David cho rằng, điều cần thiết trong hoạt động đào tạo tại Việt Nam bây giờ là việc liên kết các trường đại học quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để có thể mang tới một nền giáo dục có chất lượng và tiên tiến.

Quan ngại về sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, ông Mark Gillin nhấn mạnh, “chỉ có đầu tư và thương mại trực tiếp nước ngoài cùng với chuyển giao công nghệ đi kèm kỹ năng mới là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam nhìn chung có tiềm năng lớn mạnh và môi trường đầu tư tốt, nhưng vẫn có thể kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” và khó có thể thành công trong quá trình chuyển đổi từ một quốc gia có kỹ năng yếu, giá trị thặng dư thấp, mức lương sản xuất thấp sang một đất nước có kỹ năng cao hơn, giá trị thặng dư cao hơn và thu nhập sản xuất và dịch vụ cao”./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục