Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu dân. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm 2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề: Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) xung quanh công tác dân số, những thành tựu và thách thức cần giải quyết trong thời gian tới.
- Hiện nay dân số nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, vậy chúng ta cần tận dụng lợi thế này như thế nào?
Ông Lê Thanh Dũng: Cơ cấu dân số vàng là thời kỳ có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) cao hơn tỷ lệ dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi). Tình trạng này thường xảy ra khi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng.
Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân tự quyết định số con mình sinh ra
Bộ Y tế cho rằng giải pháp này khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như một số quốc gia, gây già hóa trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội.
Cơ cấu dân số vàng được coi là một cơ hội cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Lý do là vì trong thời kỳ này, lực lượng lao động dồi dào, có thể thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng cũng có thể dẫn đến một số thách thức như: Tăng áp lực lên hệ thống y tế và giáo dục; Tăng nguy cơ thất nghiệp; Tăng bất bình đẳng xã hội.
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2041. Đây là thời cơ để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.
Cơ cấu dân số vàng chỉ xuất hiện một lần duy nhất đối với mỗi một quốc gia, do vậy cần phải có chiến lược quốc gia về lao động việc làm để thích ứng với thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Bộ Y tế sẽ phải thực hiện nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân theo cách tiếp cận vòng đời, đặc biệt chú trọng chất lượng đầu đời như: Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh theo quyết định 1999 của Thủ tướng chính phủ ngày 7/12/2020.
- Qua thống kê cho thấy hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung, ông đánh giá mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ cấu dân số?
Ông Lê Thanh Dũng: Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số, quy mô dân số cũng như cơ cấu dân số tại một quốc gia. Nếu mức sinh quá cao so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Ngược lại, nếu mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy, thể hiện ở những điểm lớn sau: Một là sự thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động; hai là gia tăng tốc độ già hóa, số lượng và tỷ trọng người cao tuổi; ba là làm suy giảm quy mô dân số và tăng trưởng âm về dân số. Những điều này sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tác động, hệ lụy của vấn đề dân số rất lâu dài, hàng thập kỷ sau mới thấy, thậm chí là cả một thế hệ. Tương lai của thế hệ được sinh ra hôm nay sẽ được hưởng thành quả trái ngọt hoặc vị đắng chát từ chính sách của chúng ta hôm nay. Ngay cả việc để đạt được mức sinh thay thế chúng ta cũng phải trải qua 3-4 thế hệ sinh đẻ. Mức sinh thay thế là mức sinh mà một phụ nữ có trung bình vừa đủ số con gái để “thay thế” mình vào chu kỳ sản xuất dân số tiếp theo. Do đó, khi mức sinh thay thế được duy trì sẽ góp phần bảo đảm ổn định quy mô và cơ cấu dân số ở mức hợp lý, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
- Ngoài tác động về quy mô dân số, xu hướng mức sinh giảm sẽ tác động như thế nào đến cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai thưa ông?
Ông Lê Thanh Dũng: Dân số Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh thay thế sang xu hướng mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ mức chết cao sang mức chết thấp, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số và chuyển sang dân số già. Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm. Nếu như năm 2009, cứ khoảng 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019 cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên, theo đó, khi mức sinh giảm càng làm thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở Việt Nam.
Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm thì tương lai lực lượng trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.
- Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn tới mức sinh tại Việt Nam giảm trong thời gian gần đây?
Ông Lê Thanh Dũng: Hiện nay, mô hình sinh của Việt Nam đã chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20-24 tuổi sang nhóm tuổi từ 25-29 đồng thời với đó tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Quá trình đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sinh.
Hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng phá thai tại khu vực tư nhân chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới hậu quả vô sinh và ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ trẻ em…
- Cục trưởng có thể cho biết những ưu tiên của ngành y tế trong những năm tiếp theo nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam để đạt các mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng dân số?
Ông Lê Thanh Dũng: Trong 30 năm thực hiện Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu: tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công và duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến phát triển bền vững, đó là: Nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; Tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao...
Trước những thách thức trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam, trong đó, các nội dung ưu tiên đến 2030, cụ thể như: Điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng đối tượng nhằm đảm bảo duy trì mức sinh thay thế quốc gia và giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ để bảo đảm mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản.
Chúng tôi tin rằng với những kết quả đã đạt thời gian qua, phân tích, đánh giá những hạn chế, khó khăn và đề ra các nội dung ưu tiên, ngành dân số sẽ nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của chiến lược Dân số Việt Nam cũng như mục tiêu quốc gia về chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển, hướng tới chương trình nghị sự sau năm 2030.
Với bài học kinh nghiệm rút ra từ các nước có mức sinh thấp hiện nay, khi đã đạt mức sinh thay thế, cần và ngay lập tức linh hoạt về chính sách/biện pháp can thiệp đối với mức sinh nhằm ngăn chặn việc mức sinh giảm xuống thấp hoặc quá thấp.
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng Cục Dân số!