Việt Nam đang nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế

Việt Nam đang từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động, nhiều quy định sẽ thay đổi để phù hợp hơn.
(Ảnh minh hoạ: Trần Việt/TTXVN)

Nội dung cam kết về lao động trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Do đó, các bên tham gia đều phải tuân thủ cam kết này.

Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm về Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 27/9.

Các tiêu chuẩn riêng không được đưa ra mà chỉ khẳng định lại việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO bao gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam đang từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động, nhiều quy định sẽ thay đổi. Cách tiếp cận cam kết về lao động sẽ dựa vào luật pháp quốc gia và Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ điều chỉnh một số quy định đề phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

[Thực thi EVFTA: Thách thức từ cạnh tranh nguồn lực lao động]

Theo ông Nguyễn Văn Bình, hiện nay những nội dung quy định về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, các tiêu chuẩn lao động kỹ thuật có thể chấp nhận được về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động thì Bộ Luật Lao động đã cơ bản phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan. Lần sửa đổi bổ sung lần này điều chỉnh là để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

“Có hai lĩnh vực về nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử và quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể sẽ được quy định để phù hợp với cam kết về lao động của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới,” ông Nguyễn Văn Bình nói.

Bộ Luật Lao động đang được sửa đổi để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh minh hoạ: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ thực hiện có hiệu quả trong luật và thực tiễn các Công ước đã phê chuẩn của ILO; không vi phạm tiêu chuẩn lao động cơ bản để làm lợi thế cạnh tranh và không sử dụng tiêu chuẩn lao động cơ bản vì mục đích bảo hộ thương mại.

Chỉ ra một số hạn chế trong việc nhận thức về các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Việt Nam, bà Andrea Prince, Cố vấn trưởng của Dự án Khuôn khổ lao động mới của ILO cho rằng, Việt Nam hiện chưa có hệ thống giám sát các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở cấp quốc gia. Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giữa các đối tác ba bên trong áp dụng và báo cáo tình hình áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế vẫn còn mang tính hình thức.

Theo bà Andrea Prince, các quốc gia cần dần thay đổi nhận thức về việc áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bởi lẽ việc phê chuẩn các Công ước sẽ thiết lập thỏa thuận quốc tế về các quyền lao động cơ bản; đặt ra nền tảng tối thiểu cho cạnh tranh công bằng ở cấp quốc gia và quốc tế; tạo một khuôn khổ quốc tế nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; bảo đảm sức khỏe, phúc lợi và tiếng nói của người lao động, tạo điều kiện để người lao động đòi hỏi các nhu cầu chính đáng khác.

Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước, bao gồm 6/8 Công ước về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, 3/4 Công ước về quản trị thị trường lao động và các công ước kỹ thuật khác. Việc gia nhập các Công ước này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và mang lại cơ hội lớn hơn trong việc nội luật hóa, áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong hệ thống luật pháp quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục