Việt Nam đang có gần 65.000 người tham gia học tiếng Nhật Bản

Hiện có gần 65.000 người học tiếng Nhật tại Việt Nam, nhiều trường Trung học phổ thông tiếng Nhật đã trở thành ngoại ngữ thứ nhất, tiếng Nhật cũng được đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học.
Các em học sinh đến từ trường Trung học phổ thông Marie Curie, Thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm trong buổi tham quan tại Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+)

Hiện có gần 65.000 người học tiếng Nhật tại Việt Nam, nhiều trường Trung học phổ thông tiếng Nhật đã trở thành ngoại ngữ thứ nhất, tiếng Nhật cũng được đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học.

Đó là những thông tin được chia sẻ trong buổi tham quan, giao lưu của 100 học sinh Trung học phổ thông đang theo học tiếng Nhật và cán bộ giáo dục Việt Nam, diễn ra chiều 28/6 tại trụ sở Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) ở Tokyo.

Hoạt động tham quan, giao lưu tại Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản nằm trong khuôn khổ một loạt các hoạt động của chương trình tham quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Nhật của học sinh đến từ các trường Trung học phổ thông dạy tiếng Nhật và cán bộ giáo dục Việt Nam.

Chương trình được tổ chức bởi Quỹ Kamenori, phối hợp cùng Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Masahiro Oji, cố vấn cấp cao Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản cho biết bắt đầu từ năm 2016, đây là lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng chương trình này được tổ chức. Chương trình đã giúp học sinh có thêm động lực để tiếp tục học tiếng Nhật.

Theo ông Masahiro Oji, tại các nước Đông Nam Á, giáo dục tiếng Nhật đang rất được xem trọng và Việt Nam là một trong những mục tiêu mà Quỹ Giao lưu quốc tế hướng đến.

[Đào tạo tiếng miễn phí cho 240 điều đưỡng sang Nhật Bản làm việc]

Để đáp ứng nhu cầu học tiếng Nhật đang tăng nhanh, Quỹ hiện có chương trình phái cử cộng sự tiếng Nhật, với khoảng 3.000 người Nhật tới giảng dạy tại các nước Đông Nam Á. Chương trình sẽ kéo dài 7 năm từ 2014-2020.

Tại Việt Nam, tính đến năm 2017, Quỹ đã phái cử 30 cộng sự tiếng Nhật, số lượng này đứng thứ 3 tại khu vực sau Indonesia và Thái Lan.

Năm 2013, dự án đưa tiếng vào các trường phổ thông đã được thử nghiệm tại Việt Nam. Đến năm 2015, nhiều trường đã chính thức đưa tiếng Nhật vào giảng dạy với tư cách là ngoại ngữ thứ nhất.

Đặc biệt, từ tháng 9/2017, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở cấp tiểu học với chương trình học tiếng Nhật tại 5 trường tiểu học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh buổi tham quan, giao lưu của 100 học sinh THPT đang theo học tiếng Nhật và cán bộ giáo dục Việt Nam tại Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+)

Đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản còn cho biết từ năm 2018, Quỹ sẽ mở những khóa đào tạo giáo viên dạy tiếng Nhật, Việt Nam cùng với Ấn Độ, Myanmar sẽ được áp dụng chương trình này.

Trong chương trình tham quan tại Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, 100 học sinh và cán bộ giáo dục cũng được giới thiệu các phương pháp, giáo trình dạy, học tiếng Nhật trực tuyến, thông qua một loạt các ứng dụng, trang thông tin điện tử do Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản xây dựng.

Tham gia chương trình tham quan, giao lưu lần này, các học sinh Việt Nam đến từ 4 trường Trung học phổ thông đang giảng dạy tiếng Nhật là Trung học phổ thông Marie Curie, Thành phố Hồ Chí Minh; Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung học phổ thông Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng và Trung học phổ thông Kim Liên của Hà Nội.

100 học sinh trung học phổ thông đang theo học tiếng Nhật và cán bộ giáo dục Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm cùng đại biểu, ban tổ chức chương trình trong buổi tham quan tại Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+)

Sau chương trình tham quan, giao lưu tại Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản, 100 học sinh và cán bộ giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục chương trình với những hoạt động như tham quan, giao lưu với các trường Trung học phổ thông Nhật Bản, chia sẻ kinh nghiệm du học với lưu học sinh Việt Nam, trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, tham quan các địa danh nổi tiếng khu vực Tokyo và lân cận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục