Trong hai ngày từ 9-10/9, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế 148 Giảng Võ, Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Dự án EU-ASEAN (Liên minh châu Âu-Đông Nam Á) về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã tổ chức “Triển lãm Chỉ dẫn địa lý quốc tế 2014.”
Triển lãm nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về chỉ dẫn địa lý, một loại tài sản trí tuệ, cũng như nâng cao hình ảnh và giá trị thương mại cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Đây là một trong số những hoạt động nhằm triển khai Sáng kiến về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (thuộc Kế hoạch hành động về sở hữu trí tuệ của ASEAN giai đoạn 2011-2015), do Việt Nam và Thái Lan chủ trì thực hiện.
Là một nước có truyền thống sản xuất và canh tác nông nghiệp, cộng thêm các yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, Việt Nam có nhiều sản phẩm có chất lượng, danh tiếng, tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể.
Hiện nay, Việt Nam có 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xếp thứ hai trong ASEAN sau Thái Lan. Nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam đã nộp đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể.
Tham gia Triển lãm có khoảng 70 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và ở các nước trong khu vực ASEAN. Trong đó, các tổ chức của Việt Nam sẽ giới thiệu với người tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nổi tiếng trong nước như nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, chè Tân Cương, nón lá Huế...
Các nước ASEAN cũng mang đến Triển lãm các sản phẩm nổi tiếng như tảo thiên nhiên Myanmar, càphê Lào, hồ tiêu và dầu cọ Campuchia, lụa Malaysia và thịt cừu đông lạnh Brunei.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ các sản phẩm có danh tiếng, chất lượng đặc thù hoặc các đặc tính khác biệt được tạo nên do các điều kiện tự nhiên, con người của một địa phương, khu vực hay một quốc gia nhất định. Chỉ dẫn địa lý đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng không chỉ như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hằng năm ước đạt 50 tỷ USD.
Trong thời gian qua, sự quan tâm đối với việc phát triển hệ thống chỉ dẫn địa lý đã được cải thiện đáng kể ở khu vực ASEAN. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu, ASEAN đã thực thi nhiều sáng kiến về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đưa nơi đây trở thành một trong số những khu vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý tích cực nhất, sau EU và Ấn Độ./.