Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý Cư trú và Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho thấy Việt Nam đứng đầu về số người làm việc tại nước này theo chính sách thị thực mới cho người lao động có kỹ năng đặc định.
Theo cơ quan trên, tính đến hết tháng Chín đã có 219 người nước ngoài được cấp thị thực loại mới tại Nhật Bản, trong đó có 93 người Việt Nam, 33 người Indonesia và 27 người Philippines.
Trong khi đó, tính theo ngành nghề lao động, có 49 người làm việc trong ngành chế biến thực phẩm, 43 lao động trong ngành chế tạo máy công nghiệp và 42 người trong ngành sản xuất nguyên vật liệu được cấp thị thực này.
Còn tính theo địa phương, có 29 lao động làm việc tại tỉnh Gifu, 24 người tại tỉnh Aichi đều thuộc miền Trung Nhật Bản; và 23 người tại tỉnh Osaka miền Tây Nhật Bản được cấp loại thị thực trên.
[Việt Nam đứng thứ hai về số lưu học sinh làm việc tại Nhật Bản]
Đài truyền hình NHK dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý Cư trú và Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết cơ quan này muốn tăng số người lao động nước ngoài ở lại Nhật Bản sau khi được cấp loại thị thực mới thông qua việc tổ chức thi tuyển lao động cho tất cả các ngành nghề hiện có trước cuối tháng 3/2020.
Cơ quan trên hiện đang có kế hoạch tạo cơ hội cho thí sinh tham gia kỳ thi này cả ở trong và ngoài nước.
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng chính sách thị thực mới từ ngày 1/4/2019 với mục đích thu hút thêm lao động nước ngoài tới nước này để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Theo chính sách thị thực mới, lao động nước ngoài có trình độ tiếng Nhật và chuyên môn nhất định có thể đăng ký tư cách lưu trú mới với tên gọi “Lao động có kỹ năng đặc định loại 1” có thời hạn lên tới 5 năm và có thể làm việc trong 14 lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc y tế.
Các lao động có chuyên môn trong hai lĩnh vực xây dựng và đóng tàu có thể đăng ký tư cách lưu trú dành cho “Lao động có kỹ năng đặc định loại 2” để làm việc ở Nhật Bản trong thời gian dài hơn.
Tư cách lưu trú loại 2 cho phép lao động nước ngoài mang theo gia đình và không giới hạn số lần họ gia hạn thị thực./.