Việt Nam dẫn đầu quá trình phục hồi chuỗi cung ứng Đông Nam Á

Hàng loạt công ty da giày, điện tử, may mặc tại Việt Nam đã thích ứng linh hoạt, an toàn và khôi phục sản xuất trong cuộc chạy đua khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty giầy Phúc Yên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: TTXVN)
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty giầy Phúc Yên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: TTXVN)

Trang Nikkei Asia Review ngày 9/11 đã có bài viết nhận định Việt Nam đang dẫn đầu quá trình phục hồi chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á.

Theo Nikkei, trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang giảm mạnh tại các nước Đông Nam Á, chuỗi cung ứng tại khu vực này đang chạy đua để khôi phục hoàn toàn sau nhiều tháng các nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm sản xuất do COVID-19.

Việt Nam cũng đang nhanh chóng làm quen với trạng thái “bình thường mới” khi Hà Nội nới lỏng các hạn chế. Khoảng 200 nhà máy trong nước ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại, truyền thông địa phương cho hay.

Giám đốc điều hành một khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nhà máy do Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc và Intel của Mỹ điều hành sẽ "hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty hoạt động trở lại trong tháng 11 này."

Từ tháng 7, do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà máy tại miền Nam Việt Nam đã phải ngưng hoạt động, hoặc hoạt động chỉ từ 30-50% công suất. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới COVID-19 của Việt Nam đã giảm mạnh, chỉ còn quanh mức 7.000 ca mỗi ngày so với đỉnh điểm 17.000 ca hồi cuối tháng 8. Các hoạt động đời sống, kinh tế-xã hội đang dần được khôi phục.

Các công ty sản xuất linh kiện điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ôtô đang hoạt động mạnh mẽ trở lại, giúp các nhà sản xuất trên toàn cầu tạm “thở phào nhẹ nhõm”.

[Hồi sức cho doanh nghiệp sau dịch: Nỗ lực từ nhiều phía]

Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản dự kiến hoạt động trở lại hết công suất tại các nhà máy ở Việt Nam. Ba nhà máy của công ty tại đây sản xuất dây dẫn điện cho ôtô, riêng cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 8.000 công nhân.

Nikkei dẫn lời Chủ tịch của Furukawa Electric Keiichi Kobayashi cho biết “nhà máy đang dần đáp ứng trở lại các yêu cầu từ khách hàng.” Kể từ tháng 10, công suất sử dụng tại cả ba nhà máy đang từng bước phục hồi.

Tác động từ dịch COVID-19 gây tổn hại đặc biệt đến ngành công nghiệp ôtô của Đông Nam Á. Việt Nam tập trung nhiều nhà máy sản xuất dây dẫn điện, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất chất bán dẫn cho ôtô. Cả hai linh kiện này đều bị thiếu hụt nguồn cung - lý do chính khiến Toyota Motor và 7 nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khác buộc phải cắt giảm một nửa sản lượng trong tháng 9 so với một năm trước đó.

Năm 2019, Việt Nam là nguồn cung cấp khoảng 40% dây dẫn điện ôtô nhập khẩu vào Nhật Bản. Các nhà cung cấp Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang khôi phục sản xuất tại các nhà máy của họ tại Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi sản xuất trong lĩnh vực sản xuất ôtô của Nhật Bản.

Tập đoàn sản xuất giày dép có thương hiệu lớn nhất thế giới Pou Chen, có trụ sở tại Đài Loan, cũng đã nối lại sản xuất của các nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh với công suất trên 70%, sau khi phải tạm dừng hoạt động hồi tháng 7 do dịch bệnh bùng phát.

Từ đầu tháng 10, Việt Nam đã nới lỏng đáng kể các hạn chế để các nhà máy có thể dần hoạt động trở lại.

Trang Wall Street Journal của Mỹ cũng dẫn lời tập đoàn công nghệ Foxconn, đơn vị cung cấp sản phẩm cho Apple, cho biết các cơ sở của họ tại Việt Nam đang hoạt động bình thường.

Một kỹ thuật viên của một nhà máy sản xuất giày ở miền Nam Việt Nam cho biết nhà máy hiện hoạt động với 4.000 trong số 7.000 công nhân và dự kiến sẽ khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất vào tháng 11.

Nhân viên một công ty may mặc lớn của Mỹ cho biết các nhà máy cung cấp sản phẩm của họ ở Việt Nam đã có khoảng 3/4 công nhân trở lại làm việc.

Theo khảo sát về cảm nhận kinh doanh của các doanh nghiệp mà Tổng cục Thống kê Việt Nam tiến hành cho quý 4/2021, tỷ trọng các doanh nghiệp tăng doanh số cũng như tuyển dụng lao động cao hơn nhiều so với tỷ trọng các doanh nghiệp có mức giảm trên hai chỉ số này. Chỉ số PMI tháng 10/2021 vượt lên mức 52,1 so với mức 40,2 của tháng 9 cũng thể hiện rõ xu thế lạc quan này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục