Việt Nam đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhóm người dễ bị tổn thương

Việt Nam cam kết nỗ lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhóm người dễ bị tổn thương ảnh 1Đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu tại Khóa họp lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền LHQ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Ngày 28/6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam đã có nhiều hoạt động giới thiệu kinh nghiệm, nỗ lực, thành tựu, chia sẻ về thách thức, cam kết và nhu cầu hợp tác liên quan đến quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong ngày 28/6, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 50.

Phiên thảo luận do Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Federico Villegas chủ trì với sự tham dự của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, đại diện các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và học giả quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, biến đổi khí hậu và môi trường.

Tại phiên thảo luận, Cao ủy Nhân quyền Bachelet nhấn mạnh biến đổi khí hậu gây ra cùng lúc khủng hoảng về môi trường sống và về công bằng xã hội.

Những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các cộng đồng ở nông thôn, dân tộc thiểu số, nông dân, phụ nữ, trẻ em, người di cư, người khuyết tật… lại tiếp tục gánh chịu những tác động tiêu cực nhất về quyền con người do biến đổi khí hậu, trong đó trước hết là quyền sống, quyền lương thực, quyền y tế, quyền sử dụng đất đai gắn với giữ gìn bản sắc cộng đồng.

Việt Nam đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhóm người dễ bị tổn thương ảnh 2Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong Đa dạng". (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Nhiều phát biểu tại các phiên thảo luận chia sẻ ý kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Cao ủy khẳng định các nền kinh tế phát triển nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chịu trách nhiệm nhiều nhất về việc phát thải 80% lượng nhà kính trên toàn cầu, trong khi những nước kém phát triển nhất lại chịu tác động nặng nề nhất.

[Việt Nam cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ]

Hỗ trợ tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu cần phải đến được tận những người dân, cộng đồng dễ bị tổn thương, trong đó cần dành riêng 50% ngân sách hỗ trợ tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì các khoản vay.

Các phát biểu cũng kêu gọi các nước bảo đảm sự tham gia của các cộng đồng, tổ chức đại diện các nhóm dễ bị tổn thương trong xây dựng biện pháp, chính sách về vấn đề này.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, có phát biểu tại phiên thảo luận nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức hiện hữu với các cộng đồng, quốc gia và mọi người dân, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương.

Cộng đồng quốc tế cần gia tăng thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ, tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực.

Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam cam kết và nỗ lực mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng thời nhấn mạnh cần bảo đảm quá trình chuyển đổi cần diễn ra công bằng, bao trùm, có tiếng nói của người dân, bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương.

Cùng ngày, bên lề khóa họp, Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt và Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã chủ trì khai mạc “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong Đa dạng” tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva với sự tham dự của nhiều đại sứ, trưởng phái đoàn và đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Geneva.

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Hùng Việt chia sẻ triển lãm được tổ chức với mong muốn giới thiệu đến thế giới hình ảnh một đất nước Việt Nam như một đại gia đình với gần 100 triệu thành viên chung sống hòa hợp trong đa dạng. Điều đó được phản ánh qua những nét đặc sắc trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của 54 dân tộc anh em, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Việt Nam đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhóm người dễ bị tổn thương ảnh 3"Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam: Hòa hợp trong Đa dạng” tại Trụ sở LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Sự hòa hợp trong đa dạng cũng được thể hiện trong quan hệ giữa người dân, các cộng đồng ở Việt Nam với môi trường, thiên nhiên.

Điều này không phải là ngẫu nhiên mà là kết tinh của quá trình chung sống hàng ngàn năm của các cộng đồng dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam với sự hiểu biết và tôn trọng, đối thoại và hợp tác để cùng phát triển, tất cả đều chung tay vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó cũng là kết quả của nỗ lực thực hiện chính sách đại đoàn kết, bình đẳng và có ưu tiên hỗ trợ những cộng đồng còn gặp khó khăn, như tư tưởng và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam hiện đại.

Với việc triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc, Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ mong muốn của Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm hơn nữa vào công việc chung của Liên hợp quốc, trong đó, với tư cách ứng cử viên làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam khẳng định thông điệp “tôn trọng và hiểu biết,” “đối thoại và hợp tác” và “tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người.”

Triển lãm với sự tham gia của nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam, trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được mở cửa cho cộng đồng ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế tại Geneva trong thời gian diễn ra Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền từ nay đến hết ngày 8/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục