Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chiến lược đầu tư phòng, chống HIV/AIDS.”
Hội nghị cung cấp thông tin về thực trạng chương trình phòng, chống HIV/AIDS, thách thức về nguồn lực và các giải pháp đảm bảo tài chính; phân tích chiến lược đầu tư phòng, chống HIV/AIDS và kinh nghiệm quốc tế trong huy động nguồn lực; cập nhật tình hình xây dựng chiến lược đầu tư phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho biết hiện nay, Việt Nam đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư; từng bước đạt được “ba giảm” đó là giảm số người mới được phát hiện nhiễm HIV; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; giảm số người tử vong do AIDS.
Những năm gần đây, nguồn đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm từ 245 tỷ năm 2012 xuống còn 207 tỷ năm 2013 và giảm tiếp xuống còn 83 tỷ năm 2014. Trong khi đó, chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS được giao ngày càng cao đã gây khó khăn cho công tác này.
Bà Kristan Schoultz, Trưởng đại diện Cơ quan phòng chống AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNAIDS) đánh giá cao việc Việt Nam đã xây dựng và được Thủ tướng phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020.”
Đề án này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm các giải pháp để duy trì bền vững các ứng phó của quốc gia chống lại HIV.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến ngày 30/4/2014, số ca đang nhiễm HIV được báo cáo là 219.163 người, trong đó số bệnh nhân đang ở giai đoạn AIDS là 67.557 người và số người nhiễm HIV đã tử vong là 69.449 người.
Tuy đã đạt được “ba giảm,” nhưng Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết lũy tích số người nhiễm HIV và số ca mắc AIDS tiếp tục gia tăng; tỷ lệ nữ nhiễm HIV ngày càng gia tăng; lây truyền HIV qua nhóm nghiện chích ma túy vẫn là nguyên nhân chính (77%)…
Các đại biểu dự Hội thảo đánh giá một trong những khó khăn đang đặt ra cho công tác phòng, chống HIV/AIDS do các yếu tố nguy cơ biến đổi phức tạp, khó kiểm soát, khó can thiệp (nghiện chích ma túy; ma túy tổng hợp, ma túy đá; mại dâm nữ, mại dâm mam; tình dục đồng giới nam…).
Sự bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế: bao cao su, bơm kim tiêm mới đáp ứng được 50% nhu cầu; điều trị mới đáp ứng được 1/3 số người nhiễm HIV…
Một thực tế hiện nay là 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ viện trợ; nhiều dự án viện trợ đã kết thúc, một số dự án còn lại đang giảm mạnh kinh phí và kết thúc…
Nhiệm vụ trọng tâm được Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh là củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố, trung tâm y tế huyện; kiện toàn các cơ sở điều trị bệnh nhân AIDS; kiện toàn các cơ sở điều trị methadone. Khẩn trương mở rộng điều trị thay thế bằng methadone và mở rộng, nâng cao chất lượng.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đánh công tác dự phòng, điều trị và giảm thiểu tác động là trụ cột trong phòng chống HIV/AIDS.
Trong công tác dự phòng, truyền thông, tuyên truyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng, như theo đánh giá hiện nay, công tác này chưa được làm tốt. Các ý kiến cho rằng công tác phòng, chống HIV/AIDS cần kết hợp đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, vận động, tư vấn, xét nghiệm, sử dụng bơm kiêm tiêm, bao cao su, điều trị ethadone…
Một số ý kiến cho rằng trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay đang chú trọng tới nhóm có nguy cơ cao, ít quan tâm tới nhóm di biến động (ngư dân đi đánh bắt xa bờ, lái xe đường dài…)
Để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép có Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020; xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho ARV (thuốc kháng virus HIV) và methadone trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ, ngành, đoàn thể bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý.
Tăng chi ngân sách địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS bằng việc xây dựng và trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương; có dòng ngân sách cụ thể và tăng phân bổ từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống năm 2015; bảo hiểm y tế chi trả cho các chi phí điều trị ARV, OI ( nhiễm trùng cơ hội), xét nghiệm…
Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020” đã giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…/.