Việt Nam-Cuba: Truyền thống giao lưu văn hóa có từ thời Jose Marti

Từ cuối thế kỷ 19 khi cả hai nước còn nằm dưới ách thống trị của thục dân, Jose Marti - người con vĩ đại của dân tộc Cuba, đã có dịp bày tỏ sự quan tâm và tình cảm của mình đối với dân tộc Việt Nam.
Việt Nam-Cuba: Truyền thống giao lưu văn hóa có từ thời Jose Marti ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Việt Nam và Cuba ở cách xa nhau nửa vòng Trái Đất nhưng ngay từ cuối thế kỷ 19 khi cả hai nước còn nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa thục dân Pháp và Tây Ban Nha thì chính Jose Marti, người con vĩ đại của dân tộc Cuba đã có dịp bày tỏ sự quan tâm và tình cảm của mình đối với dân tộc Việt Nam.

Trong một bài viết dưới hình thức ký sự nhan đề ''Một cuộc dạo chơi trên đất của người An Nam'' (Un paseo por la tierra de los anamitas), đăng trên tạp chí Tuổi Vàng (La Edad de Oro) mùa Hè năm 1889, Jose Marti đã giới thiệu với thế hệ tương lai của Cuba và châu Mỹ cuộc sống lao động cần cù sáng tạo, sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc và lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược Pháp sau này.

Dựa vào các tài liệu thu lượm được nhân việc đi thăm một cuộc triển lãm về An Nam ở Paris, Jose Marti đã miêu tả rất sinh động về một đất nước và những con người mà chắc rằng tác giả chưa bao giờ tiếp xúc.

Marti đã viết: ''Người An Nam nói rằng với những đôi mắt quả hạnh đào của mình, chúng tôi đã xây dựng nên pho tượng Phật đồ sộ bằng đồng ở Hà Nội, nét sinh động giống như người sống… chúng tôi đã xây dựng trên đường từ Sai Gòn đi Chợ Lớn ngôi chùa, trong đó, dưới hàng dãy bảo tháp, yên nghỉ những nhà thơ đã ca ngợi lòng yêu nước và tình yêu, những vị thần trước đã từng chung sống phúc hậu với mọi người và những bậc anh hùng đã từng giải phóng đất nước chúng tôi khỏi sự xâm chiếm của người Xiêm La và người Trung Hoa… Khi người Pháp đến cướp của chúng tôi Hà Nội, Huế, chiếm những thành phố có những lâu đài bằng gỗ, chiếm những bến cảng san sát nhà tre, tấp nập thuyền bè, đầy ắp những kho cá và thóc gạo, thì cũng với những đôi mắt quả hạnh đào, chúng tôi đã hy sinh hàng ngàn, hàng vạn người trong chiến đấu để chặn đứng quân xâm lược. Bây giờ bọn xâm lược là chủ của chúng tôi, nhưng ngày mai, ai mà biết được!''

Đoạn văn trên của Marti đã toát lên tình cảm nồng hậu và niềm tin của ông đối với những giá trị văn hóa, tính nhân văn, tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam. Marti đặt niềm tin vào cuộc đấu tranh tất thắng của người Việt Nam cũng như vững tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Cuba trong cuốc dấu tranh giải phóng dân tộc.

Kỳ diệu thay, sự nhận thức và niềm tin mãnh liệt đi trước thời gian hàng thế kỷ của Marti đã trở thành sự thật.

Có thể nói sự hiểu biết và mối quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam-Cuba đã được người thầy của các mạng Cuba gieo mầm từ hai thế kỷ trước, và các thế hệ người Việt Nam chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã luôn luôn nỗ lực vun đắp để mối liên hệ văn hóa tốt đẹp đó ngày càng phát triển.

Năm 1966 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Cuba thăm Việt Nam tháng 6/1966, người đã nói ''Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng tấm lòng của nhân dân hai nước luôn gần gũi nhau như anh em một nhà."

Sau ngày cách mạng Cuba thành công tháng 1/1959, mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai bên dân dần được tăng cường. Nhà xuất bản Văn học từng xuất bản tập bút ký ''Hiên ngang Cuba'' của nhà văn nhà báo Thép Mới năm 1962. Có lẽ đây là quyển sách viết về Cuba sớm nhất ở Việt Nam, trong đó tác giả kể lại những trải nghiệm của mình trong gần một tháng ở Cuba những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là khí thế, quyết tâm xây dựng xã hội mới ở ''hòn đảo tự do'' của châu Mỹ.

Cũng trong năm 1962, nhà thơ Tố Hữu đi thăm Cuba về đã viết bài thơ dài ''Từ Cuba'' nói về tình cảm yêu mến và khâm phục của mình đối với cách mạng Cuba non trẻ nhưng tràn đầy khí thế.

Tiếp đó, Nhà xuất bản Văn học đã in một số sách về văn học của Cuba dịch qua tiếng Nga, tiếng Pháp, một tập thơ của Nicolas Guillen do nhà thơ Xuân Diệu và một số người dịch; tập truyện ngắn Cuba do Lê Xuân Vũ dịch qua tiếng Trung.

Việt Nam-Cuba: Truyền thống giao lưu văn hóa có từ thời Jose Marti ảnh 2(Nguồn: Vietnam+)

Những năm gần đây Nhà xuất bản Văn học đã dịch các sách truyện như ''Bertillon 166'' của Jose Soler Puig, in năm 2017; ''Tìm về chân lý'' (Un encuentro con la verdad) của Guillermo Garcia Frias, in năm 2015; ''Vụ án Moncada'' (El Juicio del Moncada) của Marta Rojas, in 2013; ''Tập trung! Điểm danh'' (Atención! Recuento!) của Juan Almeida, in năm 2016.

Nhà xuất bản Văn học trong năm 2019 cũng đã dịch ra tiếng Tây Ban Nha và cho in quyển ''Nhật ký Đặng Thùy Trâm'' (Diario de Dang Thuy Tram).

Sách này chắc chắn rất được giới trẻ Cuba tiếp nhận vì nó thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của thanh niên Việt Nam, kể cả các chị em phụ nữ, trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Cũng là lần đầu tiên, tác phẩm quan trọng hàng đầu của Fidel được Nhà xuất bản Sự Thật dịch và giới thiệu với bạn đọc từ đầu những năm 70 thế kỷ trước thông qua một bản tiếng Pháp. Đó chính là bản tự bào chữa nổi tiếng của Fidel trước tòa án của chế độ độc tài Batista: ''Lịch sử sẽ xóa án cho tôi'' (La Historia me absolverá), đây được xem là bản cương lĩnh của cách mạng giải phóng dân tộc ở Cuba. Quyển sách này sau đó đã được nhóm biên dịch tác phẩm ''Vụ án Moncada'' (el Juicio del Moncada), dịch lại toàn bộ theo bản tiếng Tây Ban Nha, in vào phần phụ luc, đảm bảo tính chính xác hơn về từ ngữ và sự kiện.

Sau này có nhiều tác phẩm, hoặc do một nhà báo quốc tế phỏng vấn Fidel và soạn ra dưới hình thức tiểu sử do hai người kể (bibliografia a dos voces) như quyển ''Một trăm giờ với Fidel- những cuộc trò chuyện với Ignacio Ramonet'', Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009. Các quyển sách do Fidel Castro chủ biên bao gồm ''Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược'' (La victoria estratégica) và ''Cuộc phản công có ý nghĩa chiến lược'' (La contraofensiva estratégica) do Nhà xuất bản Trẻ in năm 2013.

Ba quyển sách kể trên đều do nhóm các cựu lưu học sinh Việt Nam từng tu nghiệp ở Cuba về và có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện việc chuyển ngữ, nên có thể nói đó là những bản dịch bảo đảm chất lượng tốt.

[Việt Nam-Cuba không ngừng củng bố quan hệ hợp tác toàn diện]

Các nhà xuất bản của Việt Nam đã tự mình khai thác tài liệu và biên soạn các đầu sách ''Fidel Castro, Con người huyền thoại,'' Nhà xuất bản Quân đôi nhân dân-2003; ''Fidel- Cuộc đối đầu với 10 đời Tổng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA'' do Nhà xuất bản First News ấn hành năm 2010. Trong khi đó ''Kỳ tích là vẫn còn sống'' (El mérito es estar vivo) của tác giả Cuba Luis Baez, tổng hợp về những âm mưu thủ đoạn của CIA Mỹ tìm mọi cách ám sát Fidel nhưng tất cả đều thất bại, Nhà xuất bản Thông tấn dịch, in năm 2007.

Tập sách tập hợp các phát biểu về Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro do Thông tấn xã Việt Nam phát hành năm 2018, nhan đề ''Fidel Castro: Việt Nam chiến đấu và hy sinh vì tất cả các dân tộc trên thế giới'' là một tập sách tư liệu quý, tập hợp hầu như tất cả các phát biểu ủng hộ Việt Nam chống đế quốc xâm lược của nhà lãnh đạo Cuba từ 1964 đến năm 2005 trên hơn 100 diễn đàn tại Cuba và trên thế giới.

Việt Nam-Cuba: Truyền thống giao lưu văn hóa có từ thời Jose Marti ảnh 3(Nguồn: Vietnam+)

Ngoài ra, phải kể đến các quyển ''Tìm hiểu Lịch sử cách mạng Cuba'' của giáo sư Phạm Xuân Nam, nguyên phó Chủ tịch Hội hữu nghi Việt Nam-Cuba do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2002, và quyển ''Fidel Castro, Những bài nói và viết chọn lọc'' của Nhà xuất bản Sự Thật năm 1978 và đều là những quyển sách quý trong việc đi sâu nghiên cứu về Cuba và hiểu thêm về tư tưởng của nhà cách mạng lỗi lạc Fidel Castro.

Về mảng sách về Việt Nam và văn học Việt được giới thiệu ở Cuba có thể kể đến các đầu sách của Nhà xuất bản Ngoại văn cũ, nay là Nhà xuất bản Thế giới, trong đó có các sách chính trị và văn học Việt Nam như các sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ví dụ quyển ''Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng'' (El cuartel general en la primavera victoriosa), ''Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân'' (Guerra del pueblo, ejécito del pueblo), ''Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử'' (Dien Bien Phu, la cita de la historia) do Nhà xuất bản Ngoại văn dịch in và sau đó Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện sách Cuba cùng xuất bản.

Một số tác phẩm hồi ký và khảo luận khác về chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được các Nhà xuất bản của phong trào cánh tả Mỹ la tinh phát hành tại Mexico, Venezuela và Bolivia.

Ngoài ra dịch giả Mạnh Tứ còn dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Tây Ban Nha như các Tập ''Thơ Việt Nam'' (La poesia vietnamita), tập truyện ''Chiếc lược ngà'' (el peine de márfil) và tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Du ''Truyện Kiều'' (El Kiêu, la novela en versos de Nguyen Du). Đây là bản in song ngữ Việt-Tây Ban Nha, do Mạnh Tứ chuyển ngữ, nhà thơ Felix Pita hiệu đính).

Dịch giả Mạnh Tứ cũng còn là người dịch các tác phẩm văn học bằng tiếng Tây Ban Nha ra tiếng Việt (như các tập thơ văn - Jose Marti và nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết Mỹ Latinh khác).

Việt Nam-Cuba: Truyền thống giao lưu văn hóa có từ thời Jose Marti ảnh 4(Nguồn: Vietnam+)

Về phía các nhà báo, nhà văn Cuba, nhiều người đã hăng hái đi thực tế chiến trường ở Việt Nam để về viết báo viết sách, có thể kể tên những tác giả Marta Rojas, Raul Valdes Vivo, Felix Pita Rodriguez… Marta Rojas và Valdes Vivo là những người từng vào hoạt động trong chiến khu ở miền Nam và viết các tập sách rung động lòng người như ''Đại sứ quán trong rừng'' (La embajada en la selva - Raul Valdes Vivo ), và Miền Nam Việt Nam (xuất bản bằng Tây Ban Nha và tiếng Anh: el Sur de Vietnam y South Vietnam).

Nhà thơ Felix Pita đã thăm Việt Nam nhiều lần trong những năm còn chiến tranh và ông đã viết một tập sách về thiếu nhi Việt Nam nhan đề ''Trẻ em Việt Nam'' (Niños de Viêtnam) do Nhà xuất bản Thế hệ mới (Editorial Gente nueva) xuất bản năm 1968.

Cùng năm đó ông cho xuất bản tác phẩm ''Việt Nam: Những ghi chép từ nhật ký'' (Vietnam: Notas de un diario), trong đó ghi lại những cảm nhận của ông về một dân tộc cần cù dũng cảm đang hàng ngày sản xuất và chiến đấu chống quân xâm lược. Ngoài ra ông còn chú ý đọc và dịch thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa (vào thời gian đó mới ngoài 10 tuổi) qua các bản dịch tiếng Pháp của nhà thơ Xuân Diệu, và tập thơ ''Từ góc sân nhà em đến bầu trời'' (De mi patio al cielo) đã được Nhà xuất bản Thế hệ mới phát hành với lời thiệu sâu sắc và đầy xúc động đối với một tài năng thơ ca non trẻ của đất nước anh em đang phải vượt qua bao gian nan để chiến đấu và chiến thắng.

Gần đây nhất, Ở Cuba đã xuất bản tập sách ''Fidel Casstro, Người du kích vùng Caribe ở vĩ tuyến 17'' (Fidel Castro: Un guerillero antillano en el paralelo 17) của tác giả José Llamos Camejo nói về chuyến thăm miền Nam Việt Nam gần 50 năm trước của nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro và tình cảm của nhân dân và tuổi trẻ Viêt Nam đối với Người.

Cũng trong dịp này Nhà xuất bản Tháng 4 của Cuba cũng đã phát hành tập sách ''Vâng tôi có một người bạn'' (Sí tengo un hermano) tập hợp các bài viết của nhiều tác giả nói về mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự giao lưu, đoàn kết ủng hộ lẫn nhau vốn có từ lâu giữa hai nước.

Trước khi Đoàn Việt Nam rời Hà Nội sang dự Hội chợ sách La Habana lần thứ 29, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã tổ chức giới thiệu quyển sách của một nữ tiến sỹ, nhà nghiên cứu trẻ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhan đề ''Cuba - Đấu tranh bảo vệ độc lập đân tộc trong bối cảnh mới." Có thể nói, đây là tác phẩm mới nhất cung cấp một cái nhìn đúng đắn để hiểu thêm về thực tế ở Cuba và quyết tâm của nhân dân Cuba trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc và quyền tự quyết của mình.

Nhìn chung việc giao lưu, trao đổi giũa hai bên về các mặt văn hóa, nghệ thuật, in ấn, xuất bản, phát hành sách giữa hai nước Việt Nam-Cuba, tại hội chợ lần này, công chúng có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, dù chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng có cơ sở để tin tưởng rằng mối quan hệ, giao lưu Việt Nam-Cuba trên các lĩnh vực này sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp, ngang tầm với tình hữu nghị anh em đặc biệt giữa hai nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục