Việt Nam coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực

Việt Nam coi phát triển nguồn nhân lực là một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài để đảm bảo phục hồi và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định, Việt Nam coi phát triển nguồn nhân lực là một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài để đảm bảo phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 99 ủng hộ Hiệp ước Việc làm toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ngày 15/6, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, năm 2009, Việt Nam có hơn 133.000 lao động bị mất việc làm, trên 100.000 người thiếu việc làm phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp can thiệp kịp thời như hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn với chính sách vay vốn ưu đãi để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trả trợ cấp mất việc cho người lao động, cho người lao động vay vốn để học nghề, cùng với sự phối hợp tích cực của các đối tác xã hội...

Các biện pháp và chính sách này đã giúp Việt Nam duy trì sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì việc làm, phát triển thị trường lao động và năm 2010 kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Đề cập tới báo cáo đẩy mạnh các hoạt động chống lao động trẻ em của Tổng Giám đốc ILO, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định quan điểm của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề xóa bỏ lao động trẻ em được thể hiện rất rõ ràng và nhất quán trong Hiến pháp, theo đó nêu rõ “trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội chăm sóc, giáo dục và bảo vệ.” Bộ luật Lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, cấm sử dụng người lao động chưa thành niên (dưới 18 tuổi) làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng thừa nhận còn nhiều thách thức để đạt được mục tiêu xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016. Đây thực sự là một thách thức đối với các quốc gia nghèo và đang phát triển. Vì vậy, sự hỗ trợ và giúp đỡ cả về kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế là điều kiện không thể thiếu để đạt được mục tiêu này trên phạm vi toàn cầu.

Về vấn đề lao động giúp việc gia đình, thực tế cho thấy, trong giai đoạn khủng hoảng, những đối tượng này rất dễ bị tổn thương. Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh Việt Nam hy vọng tiêu chuẩn lao động này sẽ không chỉ giúp các quốc gia định hình chính sách của mình để bảo vệ người lao động mà còn thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong việc bảo vệ người lao động di cư làm giúp việc gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu việc làm bền vững cho tất cả mọi người.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cám ơn sự hợp tác và hỗ trợ có hiệu quả của ILO và các đối tác song phương với Việt Nam trong lĩnh vực lao động-việc làm thời gian qua.

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 18/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục