Chiều 25/5, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày châu Phi (25/5/1963-25/5/2023) do các Đại sứ quán châu Phi tại Hà Nội tổ chức.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện Đại sứ quán các nước châu Phi tại Việt Nam như: Ai Cập, Algeria, Angola, Libya, Mozambique, Maroc, Nam Phi, Nigeria, Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội và đại diện nhiều bộ, ban, ngành Việt Nam.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của Ngày châu Phi 25/5 khi cách đây đúng 60 năm, Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU), tiền thân của Liên minh châu Phi (AU) ngày nay được thành lập.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao thành tựu phát triển to lớn của châu Phi những năm qua, nhất là việc thông qua Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do toàn châu Phi (AfCFTA).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chúc mừng, chia sẻ những đóng góp của AU và nhân dân các nước châu Phi trong giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới; tin tưởng trong tương lai không xa, châu Phi sẽ trở thành một trong những cực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới.
[Việt Nam và châu Phi thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư]
Về quan hệ song phương, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với các nước châu Phi trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…; làm cầu nối cho hợp tác giữa AU và các Cộng đồng kinh tế khu vực (RECs) với ASEAN và mong các nước châu Phi tiếp tục ủng hộ các quan tâm, lợi ích chính đáng của Việt Nam; hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Không liên kết…
Về phần mình, Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi, đại diện cho nhóm các Đại sứ châu Phi tại Việt Nam chia sẻ, châu Phi là “một miền đất của cơ hội” với 60% diện tích đất canh tác chưa được khai thác của thế giới, 30% trữ lượng khoáng sản toàn cầu, 10% khí đốt tự nhiên của thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 4,3%...
Các ý kiến nhận định đã đến lúc thay đổi những định kiến rằng thị trường châu Phi rủi ro hơn những thị trường khác, tăng cường hơn nữa tiềm năng hợp tác nội khối và liên lục địa.
Nhấn mạnh quan hệ giữa châu Phi và Việt Nam là quan hệ lịch sử được hình thành trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, Đại sứ Maroc vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian qua không ngừng được nâng cao, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, ngân hàng, chuyển đổi số...
Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của châu Phi với kim ngạch thương mại đạt hơn 7 tỷ USD năm 2022, là hình mẫu phát triển cho nhiều nước châu Phi.
Trưởng đoàn Ngoại giao tại Hà Nội, Đại sứ Palestine Saadi Salama, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, đánh giá cao quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Phi; vui mừng chứng kiến quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, thương mại, đầu tư, phát triển nông nghiệp, dịch vụ y tế, xây dựng hòa bình, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cải cách kinh tế.
Đại sứ tin tưởng rằng quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam và các nước châu Phi sẽ được phát huy vì lợi ích của châu Phi và Việt Nam.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cùng các Đại sứ, đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam đã thăm quầy trưng bày của các Đại sứ quán châu Phi với nhiều nét văn hóa đặc trưng, thưởng thức ẩm thực truyền thống của các nước châu Phi./.