Việt Nam coi trọng tăng trưởng xanh, đảm bảo di cư lao động an toàn

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định Việt Nam coi trọng các vấn đề tăng trưởng xanh và đảm bảo di cư lao động an toàn.
Việt Nam coi trọng tăng trưởng xanh, đảm bảo di cư lao động an toàn ảnh 1Căn nhà nơi bà Hồng kinh doanh xăng dầu tại phường Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ bị sạt lở toàn bộ xuống sông. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Từ ngày 12-16/6, đoàn công tác đa ngành của Việt Nam gồm các đại diện của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, tham dự Hội nghị Lao động quốc tế thường niên lần thứ 106 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 106 của ILO diễn ra từ ngày 5/6 vừa qua, thu hút 4.000 đại diện các chính phủ, các tổ chức công đoàn và giới chủ sử dụng lao động của 187 quốc gia, thành viên ILO.

Các đại biểu tham gia thảo luận nhiều chủ đề, đặc biệt là lao động di cư, lao động nữ, an toàn lao động, sức khỏe người lao động và biến đổi khí hậu.

Các chủ đề nói trên thu hút sự quan tâm của các đại biểu Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định Việt Nam coi trọng các vấn đề tăng trưởng xanh và đảm bảo di cư lao động an toàn, những nội dung quan trọng của phát triển bền vững, góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và việc làm bền vững cho toàn bộ người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận những đóng góp tích cực đối với đất nước của lực lượng lao động di cư Việt Nam tại nước ngoài.

Từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 80.000 đến 90.000 người lao động Việt Nam đi làm việc và thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài.

Số lao động hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước đã mang kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm về để tiếp tục làm việc trong các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế gia đình.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định với mục tiêu hỗ trợ và bảo vệ người lao động, Công đoàn Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật trong nước để tạo hành lang pháp lý cho lao động di cư và tăng cường hợp tác với tổ chức công đoàn ở những nước tiếp nhận lao động Việt Nam bằng cách ký kết các Biên bản ghi nhớ để phối hợp hỗ trợ và bảo vệ lao động Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đã phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh sự quan tâm của Việt Nam đối với báo cáo của Tổng Giám đốc ILO về “Việc làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu-sáng kiến xanh.”

Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định là một trong những nước gặp rủi ro nhiều nhất do mực nước biển dâng và xâm mặn, Việt Nam đã và đang ứng phó mạnh mẽ với những thách thức của biến đổi khí hậu thông qua chương trình nghị sự cấp quốc gia, địa phương và ngành hướng đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, thúc đẩy con đường phát triển ít phát thải carbon và tăng trưởng xanh.

Chính phủ Việt Nam đã có những chương trình ưu tiên đào tạo nghề chuyển đổi cơ cấu việc làm, sinh kế cho người dân, thúc đẩy an sinh xã hội, mở rộng độ bao phủ của các loại hình bảo hiểm trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ luật pháp và chính sách về lao động-việc làm, cũng như thực hiện quyền của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.

Việt Nam đã tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về quan hệ lao động và giáo dục nghề nghiệp để tăng cường hỗ trợ quan hệ lao động lành mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với phát triển thị trường lao động.

Bên lề Hội nghị Lao động quốc tế, đoàn công tác Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ trao đổi với Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Rider, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới, lãnh đạo các tổ chức công đoàn Australia, Singapore, Lào, Belarus, Cuba, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục