Chuyến công du Đông Nam Á mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Theo Tiến sỹ Vijay Sakhuja (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ), cam kết bền chặt của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á được thể hiện rõ nét nhất qua hai chuyến thăm liên tiếp mới đây. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết, được đăng trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công, Ấn Độ.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines và bây giờ Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến Singapore và Việt Nam.
Tại Singapore, bà Harris tái khẳng định “cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải, bao gồm ở khu vực Biển Đông.”
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến mục đích của chuyến thăm, Kamala Harris đã chia sẻ với quan chức Singapore về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Bà Harris tuyên bố rằng trọng tâm hiện tại của Washington là "sơ tán công dân Mỹ, những người Afghanistan đã làm việc cho Mỹ và những người Afghanistan dễ bị tổn thương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em và đó là trọng tâm duy nhất của Mỹ tại thời điểm này."
[Viết tiếp những trang mới trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam]
Theo Tiến sỹ Vyjay Sakhuja, “Trật tự quốc tế dựa trên quy tắc,” “Tự do hàng hải” và “Biển Đông” là một phần rất quan trọng trong các cuộc hội đàm của bà Harris với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.
Những nội dung này đã được nhấn mạnh trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III và phía Mỹ cũng đã nỗ lực nhằm đánh giá mức độ cam kết của Việt Nam đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Bên cạnh việc đề cập đến việc tạo điều kiện cung ứng vaccine COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Hà Nội và các vấn đề liên quan đến Chiến tranh Việt Nam, bà Kamala Harris có thể sẽ thảo luận về các vấn đề thương mại song phương.
Đáng chú ý, cả hai bên vẫn sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2007.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến các thông lệ tiền tệ của Việt Nam với việc Hoa Kỳ thông báo “không có hành vi thao túng tiền tệ nào theo cuộc điều tra Mục 301” dẫn đến việc giải quyết thỏa đáng vấn đề liên quan vấn đề này.
Việt Nam đang hy vọng được Mỹ công nhận 'quy chế kinh tế thị trường' như với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có thể thấy rằng “Từ quan điểm của Việt Nam, đây sẽ là tín hiệu đáng tin cậy nhất cho thấy Hoa Kỳ cuối cùng cũng quan tâm đến việc“ bình thường hóa” thương mại song phương.”
Hà Nội cũng mong muốn Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dù vậy, Mỹ cũng sẽ phải lưu ý rằng các nước ASEAN đang ngày càng bị phụ thuộc vào các mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, được ký kết vào tháng 11 năm ngoái.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN vào năm 2020 với kim ngạch thương mại đạt 731,9 tỷ USD và trong nửa đầu năm 2021, thương mại song phương ghi nhận mức tăng trưởng 38,2%.
Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ cũng là một đối tác thương mại quan trọng của ASEAN, tuy nhiên “sẽ là hoang tưởng nếu Mỹ tin rằng các chuỗi cung ứng khu vực sẽ phát triển như Mỹ mong muốn.”
Một học giả của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá rằng các chuyến thăm cấp cao thường xuyên của Hoa Kỳ tới khu vực ASEAN phản ánh “sự lo lắng và suy giảm niềm tin của Mỹ trong việc hướng lái các quốc gia nhằm chống lại Trung Quốc.”
Trong khi đó, trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 23/ 8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc tin rằng “những cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới nói chung”./.