Căng thẳng địa chính trị và điều kiện kinh tế đầy thách thức đang diễn ra trên toàn thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức. Tại Việt Nam, nhu cầu vàng của người tiêu dùng giảm 9% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Shaokai Fan, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới về về xu hướng nhu cầu vàng trên toàn cầu và ảnh hưởng của các xu hướng này đến thị trường vàng trong nước những tháng cuối năm.
- Xin ông cho biết sự ổn định của thị trường vàng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay?
Ông Shaokai Fan: Vàng là một loại tài sản có tính đa dạng cao, có thể sử dụng linh hoạt cho nhiều mục đích khác nhau, và đáp ứng được các đối tượng sử dụng cuối khác nhau. Trang sức vàng - phân khúc sản phẩm vàng lớn nhất thường có mối tương quan với sự phát triển tích cực của kinh tế và sự gia tăng thu nhập.
[Giá vàng thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trong 12 tháng tới]
Trong khi đó, việc đầu tư vàng lại thường liên quan đến những lo ngại về sự không ổn định của thị trường, lạm phát và rủi ro. Đây là điểm quan trọng tạo nên đặc điểm tài chính độc đáo của vàng, góp phần củng cố niềm tin về vai trò của vàng trong việc mang lại lợi ích cho hầu hết các nhà đầu tư trong nhiều bối cảnh kinh tế khác nhau.
- Trước tình hình như vậy, các xu hướng nhu cầu vàng trên toàn cầu và ảnh hưởng của xu hướng này đến thị trường vàng Việt Nam, từ nay đến cuối năm như thế nào, thưa ông?
Ông Shaokai Fan: Giá vàng đã bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, lo ngại về lạm phát và sự biến động trong tình hình địa chính trị trong năm nay. Tôi tin rằng những yếu tố này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cả trên quy mô toàn cầu lẫn tại thị trường vàng Việt Nam.
Hiện các ngân hàng trung ương dường như đang chậm lại quá trình tăng lãi suất của họ, điều này có thể ảnh hưởng tích cực lên giá vàng. Đồng thời, sự thiếu ổn định trong tình hình địa chính trị vẫn tiếp tục gia tăng. Những yếu tố này thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tìm đến nơi trú ẩn truyền thống như vàng.
- Thực tế cho thấy ngay cả khi giá vàng tăng cao, tình hình tiêu thụ trang sức vẫn ổn định. Vậy đâu là cơ hội cho vàng trang sức và ngành chế tác vàng, bao gồm Việt Nam?
Ông Shaokai Fan: Một số thị trường trang sức vàng rất nhạy cảm đối với biến động giá trong tình hình giá vàng tăng cao. Điển hình như thị trường trang sức vàng tại Ấn Độ, gần đây đã gặp khó khăn do tăng giá vàng. Tuy nhiên, ở những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như Việt Nam, triển vọng của thị trường trang sức vàng vẫn rất sáng sủa.
Trang sức vàng không chỉ là phụ kiện làm đẹp, mà còn có vai trò bảo toàn giá trị tài sản xuyên suốt lịch sử tại Việt Nam. Hiện Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế năng động với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập tại Việt Nam sẽ tạo đà cho việc mua sắm trang sức vàng nói chung và tạo cơ hội cho ngành chế tác vàng nói riêng.
Thời gian tới, như các quốc gia châu Á khác, việc tạo điều kiện cho thị trường vàng phát triển sẽ tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến vàng. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành thị trường vàng hàng đầu.
- Xin cảm ơn ông./.