Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp sẽ diễn ra trong hai ngày 19-20/11 trên đảo Djerba của Tunisia.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Đại diện thường trực của Chủ tịch nước bên cạnh Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).
- Xin Đại sứ đánh giá về vai trò và vị thế hiện nay của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Việt Nam luôn tham gia tích cực và thực chất trên các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ, từ xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, cho tới gìn giữ hòa bình, thúc đẩy cải cách hành chính.
Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển được coi là nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai các hoạt động trọng điểm của Pháp ngữ.
Việc thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên phù hợp với chủ trương của Nhà nước ta, là đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
[Việt Nam đóng vai trò tích cực và chủ động trong Cộng đồng Pháp ngữ]
Việt Nam cũng luôn đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của OIF tại các diễn đàn quốc tế và trong việc tăng cường hiểu biết, tình đoàn kết và hợp tác giữa 88 quốc gia thành viên và quan sát viên, qua đó góp phần gìn giữ hòa bình và thúc đẩy sự phát triển trên thế giới.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng chặt chẽ và đi vào thực chất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc Trụ sở Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại Pháp vào tháng 11/2021. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của ta tới thăm trụ sở của OIF.
Bà Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cũng đã thăm chính thức Việt Nam nhiều lần. Đặc biệt, vào tháng 3/2022, bà đã dẫn đầu Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại đầu tiên của Pháp ngữ vào Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Ủy ban kinh tế (CPF) từ tháng 3/2019, thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) nhiệm kỳ 2017-2021.
Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi hiện nay là người Việt Nam. Việt Nam cũng được coi là đầu tàu của Pháp ngữ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, được thể hiện phần nào qua việc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF và AUF đều đặt tại Hà Nội.
- Chủ đề năm nay của Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ XVIII là "Kết nối trong đa dạng: Kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ." Xin Đại sứ đánh giá những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong hướng hợp tác phát triển này?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Trước những lợi ích to lớn do kỹ thuật số mang lại, Cộng đồng Pháp ngữ đang có những bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển số tại các nước thành viên, bao gồm việc thông qua Chiến lược Số Pháp ngữ giai đoạn 2022-2026 vào tháng 12/2021 và chọn chủ đề cho Hội nghị Cấp cao năm nay là "Kết nối trong đa dạng : Kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ."
Đối với Việt Nam, tôi cho rằng có rất nhiều tiềm năng cho tăng cường hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực số trong không gian Pháp ngữ. Với thành phần dân số trẻ và đam mê công nghệ, cũng như số người dùng Internet, điện thoại di động thông minh chiếm tỷ lệ cao, ta đang từng bước hiện đại hóa và mở rộng tới từng ngõ hẻm hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia.
Ta cũng thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia trong đó lấy người dân làm trung tâm, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, hình thành Chính phủ số, Xã hội số. Nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có kiến thức chuyên ngành tốt.
Hàng năm có gần 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, hoặc liên quan đến lĩnh vực công nghệ số. Tháng 3/2022 vừa qua, Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đã dẫn đầu Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ, tham dự Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ tại Hà Nội. Trong diễn đàn này, sản phẩm và dịch vụ số là một trong ba lĩnh vực hợp tác được đề cập.
Điều này cho thấy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác với các đối tác Pháp ngữ.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực số, công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng, mạnh mẽ, và chứng minh được khả năng vươn ra thế giới trong đó có cả các nước thành viên Pháp ngữ.
Cụ thể là tập đoàn Viettel đang đầu tư vào hệ thống viễn thông tại một số nước Pháp ngữ như Lào, Campuchia, Haiti, Cameroun, Burundi, Roumanie ; các tập đoàn FPT và VNPT cũng có nhiều hoạt động đầu tư và xuất khẩu sản phẩm công nghệ ra các nước.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, mảng hợp tác số giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ cũng gặp một số thách thức. Nguồn nhân lực công nghệ biết tiếng Pháp của Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến kết nối. Nguồn lực tài chính của chúng ta và các nước Pháp ngữ có nhu cầu hợp tác đang còn hạn chế.
Tầm với của các doanh nghiệp Việt Nam và sự hiểu biết giữa hai bên còn cần được tăng cường hơn hơn nữa.
Các doanh nghiệp của chúng ta cần chủ động hơn, các bộ ngành cũng cần tăng cường hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong mảng hợp tác này.
- Hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ là sáng kiến mà Việt Nam đã đề xuất trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội 1997, với mong muốn bên cạnh các trụ cột chính trị, văn hóa, giáo dục, thì kinh tế cũng là một trụ cột tạo nên sức mạnh bền vững của Cộng đồng Pháp ngữ. Xin ông đánh giá về kết quả đạt được trong lĩnh vực hợp tác này từ thời điểm đó đến nay ? Theo ông Việt Nam và các nước nên làm gì để thúc đẩy hợp tác kinh tế trong Không gian Pháp ngữ?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Từ khi khởi xướng hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ tại Hội nghị Cấp cao 7 tại Hà Nội vào năm 1997, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng được ghi nhận trong lĩnh vực này. Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Giai đoạn trước COVID-19 từ 2017-2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF luôn có sự tăng trưởng ổn định và ghi nhận mức cao nhất là 26,7 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 19 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,7 tỷ USD.
Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên có phần sụt giảm, nhưng kể từ năm 2021, tăng trưởng đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2021, có 16/54 quốc gia thành viên OIF đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 1.450 dự án và tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ USD.
Tôi cho rằng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam, với những sự tương đồng về kinh tế giữa nước ta và nhiều nước thành viên Pháp ngữ đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, Cộng đồng Pháp ngữ và các nước thành viên đang mong muốn đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên khác lên tầm cao hơn.
Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ tới Việt Nam như nêu ở trên được đánh giá là một bước tiến mới, với sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp Pháp ngữ, và kết quả là việc ký kết 21 thỏa thuận hợp tác.
Dù vậy, hợp tác kinh tế Pháp ngữ hiện nay không thể chỉ dừng lại ở kết quả của Đoàn doanh nghiệp hay việc tìm hiểu thị trường, mà cần tiến tới việc triển khai thực tế các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
Vì vậy, Việt Nam và các nước thành viên cần tiếp tục phối hợp, thúc đẩy OIF hỗ trợ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về thế mạnh, quy định pháp luật, thực tiễn hợp tác thương mại và đầu tư tại mỗi nước, cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tin cậy và tiềm năng tại các nước thành viên Pháp ngữ.
Đối với các nước khu vực châu Phi, hai bên cần tiếp tục trao đổi, tư vấn giải quyết các thách thức về thương mại và đầu tư nảy sinh, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng nhằm tìm kiếm các kênh thanh toán trực tiếp, an toàn.
Trong bối cảnh hậu COVID-19, Pháp ngữ cần hỗ trợ các nước thành viên phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, phát triển xanh, toàn diện, và dựa trên đổi mới sáng tạo.
Một ưu tiên quan trọng là đẩy mạnh việc triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược hợp tác số 2022-2026.
Tôi tin tưởng rằng với 88 thành viên và quan sát viên, chiếm gần 20% trao đổi thương mại và 16 % GDP của thế giới, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên Pháp ngữ sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới./.