Việt Nam có thể hưởng lợi từ phát triển giao thông đô thị

Theo công ty tư vấn Credo có trụ sở tại London (Anh), Việt Nam có thể hưởng lợi từ phát triển giao thông đô thị theo tiêu chuẩn tiên tiến toàn cầu.
Việt Nam có thể hưởng lợi từ phát triển giao thông đô thị ảnh 1Công bố kết quả của nghiên cứu “Cơ hội cho ngành giao thông vận chuyển" do công ty Credo tiến hành. (Nguồn: Siemens)

Theo kết quả của nghiên cứu “Cơ hội cho ngành giao thông vận chuyển" được thực hiện bởi công ty tư vấn Credo có trụ sở tại thành phố London (Anh) và được chính thức công bố tại Singapore ngày 3/6, Việt Nam có thể thu được lợi ích kinh tế đáng kể nếu nâng cấp mạng lưới giao thông theo tiêu chuẩn tiên tiến nhất của toàn cầu.

Dự án nghiên cứu này do Siemens tài trợ và tập trung vào việc xem xét mạng lưới giao thông tại 35 thành phố lớn trên toàn cầu đồng thời đánh giá tình trạng sẵn sàng của các thành phố này trong việc giải quyết thách thức về giao thông vận tải trong tương lai, bao gồm các thách thức về tăng trưởng dân số và tăng cường cạnh tranh.

Kết quả dự án cho thấy, nếu tất cả 35 thành phố này đều áp dụng các tiêu chuẩn “đẳng cấp thế giới” thì đến năm 2030 họ có thể thu được lợi ích kinh tế lên tới 238 tỷ đôla Mỹ mỗi năm.

Và nếu tất cả các thành phố trên toàn cầu với quy mô tương đương và có dân số từ 750.000 người trở lên đều áp dụng các tiêu chuẩn này thì cơ hội về lợi ích kinh kế mang lại có thể đạt mức 800 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Con số này tương ứng với khoảng một phần trăm (1%) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, lợi ích tiềm năng cho giả thiết này là khoảng 360 tỷ đôla Mỹ mỗi năm.

Giao thông công cộng ở thủ đô Hà Nội chủ yếu là giao thông đường bộ, chính vì vậy Chính phủ đã quy hoạch đầu tư cho 5 tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và 6 tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm khuyến khích sự thay đổi về phương thức đi lại và tạo ra các lợi ích về mặt xã hội, môi trường và kinh tế.

Một thuận lợi lớn cho Việt Nam là có thể tận dụng ngay kinh nghiệm của các thành phố hàng đầu thế giới mà không cần phải nâng cấp hoặc thay đổi nhiều hạ tầng cơ sở hiện có - đặc biệt là đối với lĩnh vực tàu điện ngầm. Tất nhiên là phải có nguồn đầu tư lớn và dài hạn nhưng cơ hội để Việt Nam phát triển hệ thống giao thông đẳng cấp thế giới ở các thành phố lớn là rất lớn.

Giao thông vận tải được coi là một trong những yếu tố chính trong năng lực cạnh tranh của một thành phố. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn lực tài chính thường làm hạn chế khả năng đầu tư vào mạng lưới giao thông của các thành phố.

Nghiên cứu này cũng là nghiên cứu duy nhất thực hiện tính toán tổn thất về kinh tế gây ra bởi hệ thống giao thông kém hiệu quả, từ đó giúp các thành phố sáng suốt hơn trong đầu tư. Một số yếu tố được xem xét là thời gian lưu chuyển, mật độ lưu thông, tất cả đều ảnh hưởng năng suất của một thành phố.

Để có một phép so sánh hợp lý, dự án nhóm các thành phố theo 3 hạng mục khác nhau về mức độ phồn vinh và phát triển.

Theo công ty Credo, các thành phố có chi phí hiệu quả nhất là: Copenhagen (Đan Mạch) (Hạng mục "các thành phố được quy hoạch tốt nhất"); Singapore (Hạng mục "các thành phố có mật độ cao"); Santiago (Chile) (Hạng mục "thành phố đang tăng trưởng").

Tiếp theo, Credo tiến hành so sánh các thành phố còn lại với thành phố dẫn đầu trong từng hạng mục. Việc so sánh giúp định lượng các lợi ích kinh tế mà đầu tư vào giao thông vận tải sẽ mang lại, chẳng hạn như năng suất cao hơn và hoạt động kinh tế mới.

Cuối cùng, Credo đưa ra những luận điểm quan trọng để giúp các thành phố có thể hiện thực hóa tiềm năng kinh tế tiềm tàng. Các ví dụ điển hình chỉ ra làm thế nào để các khoản đầu tư trở nên hiệu quả.

Theo ông Chris Molloy, Giám đốc của Credo: "Tất cả các thành phố có thể học hỏi từ các thành phố hàng đầu trong cùng hạng mục để thu hẹp khoảng cách về hiệu quả của mạng lưới giao thông, cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất. Bởi vì mạng lưới giao thông của thành phố càng hiệu quả thì mức độ hấp dẫn của thành phố đối với các doanh nghiệp và con người càng cao.”

Tiến sỹ Roland Busch, Giám đốc Ban cơ sở hạ tầng và thành phố, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của tập đoàn Siemens AG cho biết: "Các hệ thống giao thông vận tải tốt nhất là những hệ thống vận chuyển người dân đến đích một cách nhanh chóng, dễ dàng, và thoải mái.

Các thành phố dẫn đầu đã đạt được điều này nhờ mạng lưới giao thông hiệu quả với cơ sở hạ tầng hiện đại, tích hợp các phương tiện và phương thức vận chuyển, và quan trọng hơn cả là một chiến lược rõ ràng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.”

Thành phố là động lực cho sự phát triển trong tương lai. Các thành phố tạo ra 80% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa với xu hướng dịch chuyển quốc tế của các doanh nghiệp và lực lượng lao động ngày càng tăng, các thành phố phải cạnh tranh với nhau để mang lại môi trường hấp dẫn nhất đối với hoạt động kinh tế.

Nghiên cứu "Cơ hội cho ngành giao thông vận tải" hướng tới đối tượng là các nhà hoạch định chính sách của các thành phố trên toàn thế giới nhằm giúp họ ứng dụng các khuyến nghị để đạt được lợi ích kinh tế tối đa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục