Ngày 9/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Trường Đại học Khoa học ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW) và Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về Không gian đổi mới và khởi nghiệp Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận về đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số ở Viêt Nam, khởi nghiệp trong công nghệ blockchain (chuỗi khối) chăm sóc sức khỏe, phục vụ cộng đồng và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, Đại sứ Lê Linh Lan đã chia sẻ về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong 35 năm đổi mới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế sôi động nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu phát triển tập trung vào thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhanh nhất trên thế giới và đã đạt được những tiến bộ quan trọng.
Đại sứ Lê Linh Lan đồng thời nhấn mạnh về vai trò của đổi mới và chuyển đổi số trong định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, đại dịch chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực số hóa tại Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều ứng dụng nhằm kết nối và bảo vệ sức khỏe cộng đồng như Bluezone, nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi do chính đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ lần đầu tiên.
[Chuyển đổi kinh tế và cơ hội cho các ngành nghề tại Việt Nam]
Bên cạnh đó, Công ty Viễn thông FPT của Việt Nam đã triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, đưa vào sử dụng công nghệ DRUPS mới nhất đảm bảo độ tin cậy cao cho các hệ thống điện toán đám mây quan trọng và đang được áp dụng tại các Trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới.
Cũng tại buổi tọa đàm, Đại sứ Lê Linh Lan, các giáo sư, tiến sỹ của Trường Đại học FHNW, anh Huỳnh Công Thắng - đồng sáng lập Innolab Asia và đại diện Ban Chấp hành Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ gồm tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn, kỹ sư công nghệ thông tin Tập đoàn Công nghệ Tài chính tại Thụy Sĩ, tiến sỹ Quy Võ Reinhard - đồng sáng lập Health Information Traceability Foundation đã trao đổi và trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách của Chính phủ về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, việc xây dựng dự án ứng dụng công nghệ chuỗi khối để thu thập và chia sẻ một cách có kiểm soát dữ liệu về sức khỏe, định hướng phát triển của hệ sinh thái VietSearch nhằm hỗ trợ các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp Việt trên toàn thế giới.
Cùng ngày, Đại sứ Lê Linh Lan và Hội tri thức và chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ đã có buổi làm việc với Giáo sư, Tiến sỹ Regula Altmann-Hohl, Chủ tịch Trường Đại học FHNW nhằm trao đổi về một số hoạt động hợp tác đào tạo về kinh doanh, quảng bá môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu và chuyên gia hai nước.
Năm 2010, Giáo sư Tiến sỹ Crispino Bergamaschi, Chủ tịch Đại học FHNW đã từng tham gia đoàn thăm chính thức Việt Nam do Ủy viên Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin dẫn đầu.
Tháng 7/2019, lãnh đạo thành phố Olten và Ban Lãnh đạo Đại học FHNW đã vinh dự đón Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đoàn Việt Nam đến thăm trường.
Tại buổi làm việc với Đại sứ Lê Linh Lan, lãnh đạo Trường FHNW mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ tổ chức các hoạt động kết nối cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ các sinh viên của Đại học FHNW thực hiện các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam và các quốc gia trong khu vực châu Á./.