Việt Nam có lợi thế linh hoạt để tận dụng cơ hội từ công nghiệp 4.0

Ông Christopher Marks, Giám đốc điều hành Ngân hàng MUFG đang tham dự WEF ASEAN 2018 cho rằng Việt Nam có sự linh hoạt mà một số nền kinh tế mới nổi không có để thích ứng với cuộc công nghiệp 4.0.
Việt Nam có lợi thế linh hoạt để tận dụng cơ hội từ công nghiệp 4.0 ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu tại Phiên thảo luận "Tương lai việc làm ở ASEAN trong công nghiệp 4.0." (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, bên lề Hội nghị, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Christopher Marks, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận ngân hàng doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi của Ngân hàng MUFG đang tham dự WEF ASEAN 2018.

-Theo ông Việt Nam sẽ tận dụng thế mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như thế nào so với các quốc gia mới nổi khác trên toàn thế giới?

Ông Christopher Marks: Việt Nam đến với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với ít ràng buộc về thể chế, lực lượng dân số trẻ, đặc biệt là với một chính phủ lãnh đạo rất quyết liệt và tiến bộ. Theo nhiều cách, Việt Nam có sự linh hoạt mà một số nền kinh tế mới nổi không có để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mọi thứ có thể được xây dựng từ đây, theo cách mà các nền kinh tế khác, với các loại tài nguyên khác nhau có thể không có sự linh hoạt đó. Trong 10 năm nữa, chúng tôi không thực sự biết thành phần GDP của Việt Nam sẽ như thế nào, nhưng nó sẽ đa dạng hơn so với một số nước láng giềng dựa vào các ngành công nghiệp cũ.

-Những lợi thế nào giúp các quốc gia ASEAN khai thác được tối đa lợi ích của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thưa ông?

Ông Christopher Marks: Về cơ bản, lợi thế lớn của khu vực ASEAN so với các khu vực khác của thế giới, đó là dân số tương đối lớn với khoảng 650 triệu người. Dân số tương đối trẻ của khu vực với đa số dân biết dùng điện thoại và internet. Họ không cần phải mất thời gian để thích ứng. Các bạn trẻ lớn lên cùng với công nghệ, do đó tỷ lệ thích ứng và thâm nhập sẽ rất cao.

Chúng ta cũng cần phải đề cập rằng những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của internet và công nghệ. Tôi tin rằng mạng xã hội, các hoạt động xã hội trên Internet có cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Nhưng có điều những người trẻ tuổi lại có khả năng học hỏi rất nhanh và thích ứng tốt hơn.

Lấy một ví dụ về chơi game, đó là sự sáng tạo của công nghệ cần sự thích nghi nhiều hơn. Bạn thử nghĩ xem, trong game chứa nhiều loại công nghệ, công nghệ giọng nói, rất nhiều công nghệ trực quan, rất nhiều điều khiển tự động được tích hợp. Vì vậy, những người trẻ tuổi có thể hiểu về các công nghệ này, họ càng hứng thú với các thành phần trong những trò chơi đó và hy vọng họ sẽ ứng dụng và thích nghi hiệu quả hơn.

Chúng ta có thể nói rằng khu vực ASEAN là một phần của thế giới, phát triển rất nhanh và liên tục. Tốc độ họ tạo ra của cải, tiền tiết kiệm và việc làm khá cao. Vì vậy, họ có những cơ hội tuyệt vời để ứng dụng và thích ứng với công nghệ mới theo những cách khác nhau. Nhưng công nghệ phải được áp dụng và thích ứng ở mức độ và những thành phần kinh tế phù hợp ở mỗi quốc gia trong khu vực.

-Ông nghĩ đâu là tương lai của ASEAN với những lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Christopher Marks: Nếu bạn nhìn vào một nơi thành công như Singapore. Quốc gia này đã có thể phát triển qua thời gian, ban đầu là một trung tâm sản xuất, bây giờ có giá trị cao hơn nhiều, thành một trung tâm dịch vụ.

Điều này đúng với phần còn lại của khu vực ASEAN. Một số quốc gia trong khu vực chưa thật sự phát triển ở hiện tại. Song họ có thể lựa chọn cách giáo dục và ứng dụng công nghệ cho phù hợp với ngành nghề, dân số và thành phần nền kinh tế của họ. Ví dụ, trong nông nghiệp, rất nhiều công nghệ có thể được tích hợp điện thoại giúp cải thiện năng suất của nông nghiệp. Nông dân có thể tiếp cận tốt hơn với các thị trường khác nhau. Họ có thể tự học hỏi.

Các lĩnh vực xã hội khác như y tế cũng vậy. Y tế có thể phát triển thành một lĩnh vực mạnh mẽ. Nhân viên y tế có sức mạnh nhờ điện thoại và các ứng dụng khác. Đây là một cơ hội tuyệt vời, ngay cả các quốc gia có yêu cầu và mục tiêu khác nhau cũng có thể tận dụng hết lợi thế.

-Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong mọi khía cạnh của nền kinh tế. Ông nghĩ ngành tài chính và ngân hàng được hưởng lợi như thế nào từ công nghệ phát triển?

Christopher Marks: Dưới góc nhìn tài chính, không chỉ từ ngành ngân hàng thương mại và tư nhân, thậm chí cả tài chính công, một trong những cải tiến lớn nhất không chỉ là thương mại điện tử, mà còn là khả năng ứng dụng internet trong ngân hàng. Bây giờ bạn có thể giao dịch trên điện thoại. Khi điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến và rẻ hơn. Cả ngân hàng tư nhân và ngân hàng nhà nước đều có thể dễ dàng thu hút khách hàng mới. Tiền tiết kiệm nhiều hơn sẽ có thể được chuyển sang đầu tư.

Bạn không cần dùng công nghệ cũ mà chúng tôi dùng từ mười năm trước. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc điện thoại. Trong thương mại, công nghệ giúp chính phủ thu được thuế, cá nhân mua và nhận hàng, thương nhân bán và nhận tiền dễ dàng. Vì vậy, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những ai sẵn sàng thì sẽ thấy hài lòng.

Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục