Ông Changhwan Mo, Viện nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cho biết, tại Việt Nam phương tiện tham gia chủ yếu vẫn là xe máy và theo thống kê cho thấy, có đến 60% các vụ tai nạn giao thông là do xe máy.
Thông tin này được đưa ra tại báo cáo giữa kỳ “Dự án kế hoạch tổng thể an toàn giao thông cho thủ đô Hà Nội” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Cơ sở hạ tầng, đất đai và giao thông Hàn Quốc vào sáng nay (ngày 23/10).
[Hơn 5.360 người chết vì tai nạn giao thông trong 8 tháng vừa qua]
Theo ông Changhwan Mo, hiện nay, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở Việt Nam là 96% nhưng các mũ bảo hiểm chưa có quy định chung. Do đó, ông này cho rằng, khi xảy ra tai nạn giao thông chiếc mũ không thể đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Bởi vậy, vị chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu giao thông Hàn Quốc nhấn mạnh việc thiết lập an toàn giao thông cho phương tiện xe máy là rất cần thiết.
Giới thiệu mô hình đã thử nghiệm thành công tại Hàn Quốc, ông Changhwan Mo đưa ra dẫn chứng như tốc độ của 2 làn xe xuống dưới 30km/giờ; mở rộng và lắp đặt khu vực an toàn dành cho trẻ em, người già và gia tăng kiểm soát; cải thiện hạ tầng đường bộ và mở rộng vạch qua đường dành cho người đi bộ, an toàn giao thông bắt đầu từ khu vực trường học sau đó dần dần sẽ mở ra toàn xã hội, cách tiếp cận này sẽ mang lại sự đồng thuận của người dân nhiều hơn…
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, từ năm 2010 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được cải thiện, tai nạn giao thông liên tục được giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận, giao thông ở Hà Nội vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình ùn tắc giao thông giảm nhưng vẫn còn nhiều nhức nhối.
Ông thừa nhận đến nay chưa có chương trình, kế hoạch đầy đủ và toàn diện nhằm giải quyết mục tiêu an toàn giao thông được phê duyệt cấp tỉnh, thành phố. Theo ông Hùng, để những giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về công tác bảo đảm an toàn giao thông có thể đi vào thực tiễn, vai trò của Ủy ban Nhân dân, Ban An toàn giao thông và lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố là cực kỳ quan trọng.
“Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tổng hợp kết quả nghiên cứu thành mô hình xây dựng kế hoạch an toàn giao thông cho một địa phương cấp tỉnh và gửi cho các địa phương để làm tài liệu nghiên cứu và có thể áp dụng vào trong kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông mỗi tỉnh, thành,” ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, trong thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng, tổ chức triển khai nhiều giải pháp ùn tắc. Thế nhưng, giao thông của thành phố cũng cần phải xem xét đánh giá lại để giảm được tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.
“Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chấp thuận đề án này và trao đổi lại với thành phố để có chủ trương chấp thuận. Lúc đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu từng nội dung của kế hoạch để xem xét, áp dụng,” ông Tuấn khẳng định./.