Việt Nam có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới

Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương, họ thường bị bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử.
Người đẹp chuyển giới Hương Giang. (Nguồn: Đẹp)

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 300.000-500.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương.

Người chuyển giới thường bị bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và nơi công cộng. Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người sống đúng với giới tính mong muốn.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Luật Chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới" do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 26/9, tại Hà Nội.

Thạc sỹ Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa người cùng giới và đây là một rào cản đối với người chuyển giới. Pháp luật Việt Nam chỉ công nhận 2 giới tính nam-nữ và không công nhận giới tính thứ 3.

[Hương Giang Idol: Giá sắc đẹp rất đắt và đẹp nhân tạo thì có sao?]

Bên cạnh đó, tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% người chuyển giới cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi là người chuyển giới.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quản lý chương trình hỗ trợ cho người chuyển giới tại Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng cho biết hiện nay, việc chuyển đổi giới tính gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí cho mỗi lần phẫu thuật rất cao mà chủ yếu người chuyển giới phải tự chi trả. Việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng, giúp người chuyển giới có quyền được sống với đúng giới tính của mình.

Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng nhằm đảm bảo cho người chuyển đổi giới tính được sống thật với giới tính họ mong muốn. Chỉ khi có hành lang pháp lý, những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc và rào cản khiến người chuyển giới bị kỳ thị, phân biệt đối xử; sự cần thiết của việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính; những đề xuất của cộng đồng người chuyển giới đối với việc xây dựng hành lang pháp lý và công nhận giới tính người chuyển giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục