Lao là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam với khoảng 17.000 người chết mỗi năm và trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt. Tại nhiều quốc gia, lao là nguyên nhân mắc bệnh và tử vong quan trọng ở trẻ em lưu hành bệnh lao, với gần 400 trẻ em tử vong mỗi ngày vì căn bệnh này.
Hiện nay, bệnh lao ở trẻ em tiến triển nhanh hơn và khó phát hiện hơn ở người lớn. Vì vậy, thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung giải quyết các thách thức trong quản lý bệnh lao trên trẻ em.
Thông tin trên được đưa ra trong buổi lễ khởi động dự án “Hơi thở cuộc sống” do PATH (Tổ chức về các sáng kiến y tế toàn cầu) và Johnson&Johnson tổ chức chiều 24/2, tại Hà Nội.
Dự án nhằm tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh lao cho trẻ em ở Việt Nam. Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia, được thí điểm tại Nghệ An trong vòng hai năm. Nếu kết quả dự án tốt sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.
Chia sẻ về dự án, tiến sỹ Kimberly Green - Giám đốc Dự án từ PATH cho hay: “Ưu tiên hàng đầu của dự án là đảm bảo các cán bộ y tế có kỹ năng và năng lực phát hiện, điều trị và quản lý lao trẻ em và tăng cường kết nối và thiết lập hệ thống chuyển gửi giữa các cơ sở y tế công và tư."
Phó Giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Chương trình phòng chống lao quốc gia nhấn mạnh trong lễ khởi động dự án: Không ai đáng chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, Việt Nam cần hợp tác để cùng kết thúc bệnh dịch này.
Dự án sẽ tập trung giải quyết các thách thức trong quản lý lao trẻ em ở Việt Nam, bao gồm đảm bảo các cán bộ y tế ở các tuyến được tập huấn thích hợp và thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Chương trình phòng chống lao quốc gia với các cơ sở y tế công và tư.
Bác sỹ Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi Nghệ An cho hay, Nghệ An là một tỉnh có địa bàn rộng, với gánh nặng bệnh lao cao. Hàng năm, tỉnh này phát hiện khoảng 2.800 ca mắc lao mới, trong đó trẻ em là nhóm nguy cơ cao.
PATH có lịch sử lâu dài trong việc hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống lao ở Việt Nam. PATH đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế phát hiện hơn 12.000 trường hợp mắc lao kể từ năm 2008./.