Việt Nam có khả năng vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo

Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm 2020.
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến cả năm 2020 chỉ đạt 6,5 triệu tấn.

Nhiều khả năng, Thái Lan sẽ bị tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trong danh sách các nhà xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới nếu nước này không phát triển các chính sách tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này cả năm 2020 có thể chỉ đạt 6,5 triệu tấn – mức thấp nhất trong một thập niên và thấp hơn mức dự báo 7,5 triệu tấn đã được đưa ra trước đó.

Nguyên nhân do dịch COVID-19 đã khiến suy yếu nhu cầu gạo toàn cầu, đồng baht tăng giá và tình trạng hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng.

Tại thời điểm tuần thứ ba của tháng Bảy, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 520 USD/tấn, trong khi giá gạo đồng hạng của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt ở mức 440-450 USD/tấn và 360 USD/tấn.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Thái Lan xuất khẩu 2,57 triệu tấn gạo đạt giá trị 54,2 tỷ baht, giảm 31,9% về khối lượng và và 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan hiện xếp vị trí thứ 3 sau Ấn Độ và Việt Nam. Nhóm các thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Thái Lan bao gồm Mỹ, Nam Phi, Angola, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong nửa cuối năm 2020, Thái Lan dự kiến xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn.

Theo các chuyên gia, Thái Lan nhiều khả năng sẽ bị tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trong danh sách các nhà xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới nếu nước này không phát triển các chính sách dài hạn để tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo.

Ngoài ra, một mặt hàng nữa cũng được Chính phủ Thái Lan đặc biệt lưu ý, đó là thịt lợn.

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, thời gian qua, do dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc và các nước láng giềng Thái Lan, khiến nhu cầu xuất khẩu lợn tăng.

Do đó, để hỗ trợ giảm giá thịt lợn, người chăn nuôi lợn ở Thái Lan đã đồng ý xóa bỏ khâu trung gian sau khi Bộ Thương mại nước này cho biết sẽ giảm xuất khẩu thịt lợn do thiếu nguồn cung và giá tăng.

Theo ông Piwat Pongwiwatchai, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà chăn nuôi lợn Thái Lan, thịt lợn sẽ được bán với mức giá 130 baht/kg theo chương trình “Thịt lợn chống COVID-19” do Hiệp hội này phát động, kéo dài từ ngày 21/7 đến ngày 7/8/2020.

Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Bộ Thương mại Thái Lan ấn định giá thịt hơi ở mức 80 baht/kg để giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng sẽ không vượt 160 baht/kg, mặc dù các nhà chăn nuôi đang phải đối mặt với việc thua lỗ trong hơn 3 năm.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Tại Thái Lan, dịch COVID-19 khiến cho số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 6/2020 là 1.336 doanh nghiệp, hầu hết trong lĩnh vực xây dựng, baht động sản và dịch vụ tư vấn quản lý, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và 48% so với tháng 05/2020.

Tính chung 6 tháng, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là 6.227 doanh nghiệp, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt 33.337 doanh nghiệp, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng vốn đăng ký đạt 105 tỷ baht, giảm 13%.

[Xuất khẩu gạo của Thái Lan dự báo đạt mức thấp nhất trong 20 năm]

Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng chương trình phục hồi kinh tế; trong đó, có kế hoạch nâng cấp các chương trình Quỹ làng, bao gồm khoảng 7000 chương trình thuộc cấp C lên cấp A và B nhằm đáp ứng các tiêu chí về năng lực quản lý, lợi tức đầu tư hấp dẫn, tài chính, chăm sóc thành viên. Đồng thời, các chương trình Quỹ Làng A và B cũng sẽ được nâng cấp nhằm nâng cao tính hiệu quả của chương trình.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, đây là một phần nội dung trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ Thái Lan.

Ngân sách thực hiện chương trình dự kiến khoảng 40 tỷ baht, trích từ ngân sách 400 tỷ baht đã được Chính phủ dành cho các hoạt động phục hồi kinh tế và xã hội.

Mục tiêu của các chương trình này bao gồm phát triển sản phẩm, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, xây dựng cộng đồng phục vụ ngành du lịch, giao thông và các hoạt động trực tuyến.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.

Đáng lưu ý, khẩu gạo đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sắp có hiệu lực, có thể không khiến kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến, song sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo xuất khẩu.

Hơn nữa, việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác cũng làm tăng cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Cùng với Hiệp định EVFTA, năm 2020, một số thuận lợi khác cũng đến với gạo Việt khi trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục