Việt Nam chung tay cùng các quốc gia ASEAN phục hồi bền vững du lịch

Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN muốn phục hồi bền vững nền kinh tế xanh trong giai đoạn mới cần cái bắt tay để cùng hành động. Thực tế, đã có một chiến lược chung dành cho các nước.
"Bầu trời" du lịch đã trở lại tươi sáng và hứa hẹn phát triển nhanh chóng thời gian tới. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Làm sao để phục hồi du lịch hậu COVID-19 nhanh chóng mà bền vững không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam, bởi bóng tối đại dịch đã phủ xuống toàn cầu suốt hai năm qua và gần gũi nhất là các nước láng giềng trong khu vực.

Chính vì thế, các quốc gia ASEAN vừa có hội nghị bàn tròn trực tuyến các Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 56, nhằm chia sẻ cách thu hút thêm nhiều du khách tới khu vực sau đại dịch cũng như tập trung bảo đảm sức khỏe, an toàn cho du khách trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến chủng mới. Đặc biệt, đây là dịp để các nước cùng thống nhất kế hoạch hành động chung cho giai đoạn mới.

ASEAN 'bắt tay' vì mục tiêu chung

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của COVID-19, số khách du lịch đến ASEAN giảm mạnh. Năm 2020, ASEAN chỉ đón gần 28 triệu lượt khách (giảm 80,7% so với năm 2019); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 43,1 tỷ USD (giảm 74,8% so với năm 2019). Năm 2021, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, số khách quốc tế đến và tổng thu từ du lịch giảm lần lượt 90,03% và 94,33% so với năm 2020.

[Các quốc gia thích ứng ra sao trong bối cảnh mới của du lịch toàn cầu?]

Trước những con số sụt giảm nghiêm trọng này, các quan chức du lịch ASEAN nhất trí tăng cường phối hợp để phục hồi nền kinh tế xanh khu vực theo kế hoạch hành động đã được phê duyệt hồi đầu năm nay, đồng thời phối hợp các ngành liên quan. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi ngành du lịch và khôi phục số lượng du khách về mức trước đại dịch.

Theo đó, các nước cùng thực hiện chiến lược marketing du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng với 3 trụ cột: Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn; Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp; Thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Các nước ASEAN cùng chung tay phục hồi bền vững du lịch hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Được biết, chiến lược marketing giai đoạn mới này điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau COVID-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN. Chiến lược đã được thảo luận qua các cấp Nhóm Công tác, Ủy ban Cạnh tranh du lịch và Cơ quan du lịch quốc gia.

Để hiện thực hóa mục tiêu, các nước ASEAN nhất trí phải phát triển đa dạng các dòng sản phẩm du lịch, các chiến dịch tiếp thị, cải thiện tiêu chuẩn du lịch và kết nối, áp dụng nhiều hệ thống kỹ thuật số giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, các nhà chức trách ASEAN sẽ làm việc với các đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường hoạt động du lịch, giúp du khách đi lại thuận tiện hơn.

Du lịch Việt tăng cường hợp tác

Tham gia cộng đồng ASEAN, Việt Nam hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN và đang chủ trì dự án “Sản phẩm du lịch lễ hội.” Với vai trò này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết Việt Nam đang có kế hoạch tổ chức một hội thảo khu vực và chuyến khảo sát lễ hội vào năm 2023 với chủ đề “Du lịch lễ hội.” Để thúc đẩy dự án đạt hiệu quả cao, Phó Tổng Cục trưởng mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên ASEAN.

Cũng theo lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam, để góp phần phát triển du lịch toàn diện và bền vững ASEAN, hiện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch của Việt Nam đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch.”

Thực tế, chiến lược này đã được các Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 22 nhân dịp ATF 2019 (Hạ Long) với kế hoạch triển khai chiến lược tại Việt Nam gồm: Tổ chức Hội thảo “Sáng kiến tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong phát triển du lịch cộng đồng;” tăng cường năng lực cộng đồng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn và nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia hoạt động du lịch cho cộng đồng tại Việt Nam; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề sản xuất hàng lưu niệm du lịch ASEAN.

Du lịch Việt đã trở lại giai đoạn sôi động với các đoàn khách đến từ các quốc gia trong khu vực. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu cho hay Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Sáng kiến tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong phát triển du lịch cộng đồng” vào tháng 10/2022. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN tham gia trực tiếp nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự tham gia và lợi ích của cộng đồng cũng như khu vực tư nhân trong phát triển du lịch.

Không chỉ tích cực tham vấn và hợp tác với các quốc gia trong cộng đồng ASEAN, bằng sự năng động Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, năm 2022, Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) đã phối hợp với Việt Nam triển khai thành công hai dự án: “Khả năng phục hồi điểm đến du lịch” tại tỉnh Quảng Nam và “Phục hồi Du lịch Voi” tại tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng hỗ trợ những kỹ thuật thiết thực đối với du lịch Việt Nam (trong quy hoạch, xúc tiến quảng bá và tổ chức các sự kiện quốc tế tại Việt Nam). Nhờ đó, trong năm 2022, du lịch Việt liên tục góp mặt tại các hội thảo chuyên ngành trực tuyến của UNWTO; phối hợp với UNWTO văn phòng Nara (Nhật Bản) chuẩn bị triển khai các hoạt động hỗ trợ quản trị điểm đến bền vững…

“Đây chắc chắn là những sáng kiến hiệu quả để hỗ trợ phục hồi du lịch sau COVID-19 và Việt Nam sẵn sàng tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của dự án,” ông Hà Văn Siêu khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục