'Việt Nam chưa tận dụng hết lợi thế mở cửa sớm sau COVID-19'

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Việt Nam mở cửa lại sau COVID-19 rất sớm song vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực vào Việt Nam và số ngày miễn thị thực là ý kiến của đa số đại biểu tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2022: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không-du lịch."

Hội nghị do Báo Nhân Dân và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổ chức chiều 16/12.

Việt Nam chưa tận dụng hết lợi thế mở cửa sớm sau COVID-19

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đánh giá năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Đà phục hồi kinh tế đến từ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và được hỗ trợ bởi các trụ đỡ nông nghiệp, sự phục hồi nhanh của khu vực sản xuất, chế biến và tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Việt Nam mở cửa lại sau COVID-19 rất sớm, từ ngày 15/3/2022, song vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng. Lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

Phát biểu đề dẫn, nêu ý kiến từ phía Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), ông Chris Farwell, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh phân tích trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho GDP của Việt Nam tới 10%. Trong đại dịch, con số này sụt giảm xuống chỉ còn 2,1% GDP vào năm 2021.

“Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này. Chúng ta chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế và tạo ra tổng thu khoảng 4,5 tỷ USD," ông Chris Farwell nêu.

Theo ông Chris Farwell, chúng ta có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch. Trước dịch COVID-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ USD trong số 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra.

Cũng cần lưu ý rằng mặc dù Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam thực sự đón được nhiều lượt khách đến hơn.

[Doanh nghiệp ngành du lịch thích ứng kịp thời sau dịch COVID-19]

"Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022 trong khi nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ? Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19?," ông Chris Farwell băn khoăn.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, du lịch là một ngành kinh doanh cạnh tranh và Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực, những nước cũng đang nỗ lực thu hút khách du lịch từ các thị trường trong khu vực và cả thị trường xa. Thái Lan là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam và nhiều bên liên quan ở Việt Nam đang than phiền là họ đang bị mất cơ hội kinh doanh vào tay Thái Lan.

Vướng vấn đề visa

Nhiều nguyên nhân đã được đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch và các doanh nghiệp hàng không, du lịch “mổ xẻ," trong đó nổi lên là vấn đề chế độ visa của Việt Nam và quy trình cấp visa mất nhiều thời gian.

Con số trực quan, sinh động được các đại biểu nêu lên tại Hội nghị bàn tròn là Thái Lan miễn visa đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn visa được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. Đất nước này đã có 7 lần điều chỉnh nới lỏng chính sách đi lại sau COVID-19.

“Lạ lùng” là cụm từ tiến sỹ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nêu lên khi đề cập đến câu chuyện “khác thường” của Việt Nam: kể từ khi mở cửa đến nay vẫn chỉ cho phép miễn visa với 13 nước và thời gian miễn visa chỉ 15 ngày, trong khi trước dịch là 30 ngày. Việt Nam đã an toàn nhưng chính sách vẫn không thay đổi nên “không thể đồng nhịp với thế giới."

Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đủ lực và đủ nhạy bén để đưa ngành công nghiệp không khói này hồi sinh. Với “độ nén” hiện nay, ngành du lịch sẽ thực sự bùng nổ khi được tháo gỡ về thể chế. Thể chế chính là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet cho hay Việt Nam là 1 trong 25 thị trường hàng không nội địa phục hồi tốt nhất thế giới. Tuyến đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 4 đường bay bận rộn nhất trên thế giới. Điều này cho thấy ngành hàng không rất tích cực trong việc phục hồi.

Năm 2022, Vietjet tiên phong trong mở cửa thị trường Ấn Độ với nhận định thị trường này sẽ góp phần bù đắp cho lượng khách thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc, tuy nhiên lại vướng vấn đề visa dù nhu cầu rất lớn.

Bên cạnh đề nghị gỡ vướng về visa, ông Đinh Việt Phương cũng mong Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không trong mở lại các đường bay quốc tế, đường bay mới.

Một khía cạnh khác được ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng TBA, đưa ra là nhiều khách quốc tế còn băn khoăn về việc đến Việt Nam du lịch vẫn phải mua bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19 trong khi ở các nước rất khó mua bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, cần sớm gỡ bỏ quy định này bởi đây là rào cản kỹ thuật và hiện nhiều nước không còn nội dung yêu cầu điều trị COVID-19 trong bảo hiểm du lịch.

Ngành du lịch Việt Nam cũng cần đổi mới, cải tiến trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, có những hình ảnh mới, chiến lược, cách thức mới, thậm chí thương hiệu du lịch Việt Nam cũng cần thay đổi.

Khách du lịch tham quan Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiều ý kiến cho rằng con đường để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn và trở lại với mức đóng góp hơn 10% vào GDP đã được xác định rõ nhưng sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng và Chính phủ cần khẩn cấp hỗ trợ ngành du lịch ngay thời điểm này.

Một trong số những thách thức lớn nhất cho phục hồi du lịch năm 2023 là công suất vận chuyển hàng không từ các thị trường nguồn chính. Khó khăn này cùng với vấn đề ngành du lịch thiếu sự hỗ trợ trong thời kỳ COVID-19 và cuộc khủng hoảng tín dụng hiện tại của nền kinh tế có thể khiến các khách sạn và công ty du lịch uy tín bị tê liệt.

Đại biểu khuyến nghị Chính phủ xem xét đề xuất trước đây của TAB nhằm đảm bảo khoản vay vốn lưu động cho các hãng hàng không và các công ty du lịch lữ hành quốc tế, các khách sạn với mức vay tương đương với số tiền họ đã đóng góp cho nền kinh tế đất nước trong năm 2019. Điều này sẽ giúp giải ngân một phần số tiền phân bổ làm vốn vay với lãi suất thấp được Quốc hội phê duyệt trong gói phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Các ý kiến đồng tình với việc danh sách miễn visa bằng với Thái Lan (65 nước), mở rộng số ngày miễn visa, lên 30-45 ngày hoặc nhiều hơn nữa, bỏ bảo hiểm điều trị COVID-19. Những nội dung kiến nghị tại Hội nghị bàn tròn sẽ được Ban IV tổng hợp trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tới đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục