Việt Nam chủ trì Phiên họp của HĐBA về tình hình Israel và Palestine

Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền bất khả xâm phạm...
Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA về tình hình Palestine-Israel. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)
Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA về tình hình Palestine-Israel. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 21/1 đã tổ chức Thảo luận mở định kỳ với chủ đề “tình hình Trung Đông, bao gồm Palestine” do Việt Nam chủ trì.

Hội đồng đã nghe bà Rosemary DiCarlo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình và bà Ursula Mueller, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo, trình bày các báo cáo.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào tình hình xung đột giữa Israel và Palestine, bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực, xung đột tiếp tục kéo dài, khiến hàng nghìn người dân Palestine cũng như nhiều người Israel thương vong, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Nhiều nội dung được các nước đề cập trong phiên họp với sự quan ngại, như các tuyên bố mang tính kích động hằn thù, tấn công vào trường học, bạo lực giữa những người định cư Israel và người Palestine cũng như các phát biểu kêu gọi sát nhập một số khu vực do Israel chiếm đóng trái phép.

Đa số các ý kiến chỉ trích và kêu gọi Israel ngừng ngay các hoạt động tái định cư tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả phần Đông Jerusalem.

[UNRWA lo ngại tình hình nhân đạo xấu đi tại Dải Gaza]

Trong hơn 3 năm qua, có hơn 22.000 căn nhà tái định cư đã được Israel phê duyệt xây dựng tại Khu C và Đông Jerusalem.

Liên hợp quốc và các nước khẳng định hoạt động tái định cư của Israel là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế như được nêu trong Nghị quyết 2234 của Hội đồng Bảo an năm 2016.

Việc tồn tại và mở rộng các khu định cư càng châm ngòi cho sự nghi kỵ, làm gia tăng căng thẳng giữa người Palestine và Israel, ngày càng đẩy ra xa tương lai chấm dứt xung đột.

Theo một kết quả khảo sát của Ủy ban Chữ thập đỏ mới đây, 65% người Israel và 52% người Palestine tin rằng với tình hình hiện nay thì cuộc xung đột này sẽ không bao giờ chấm dứt.

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế, nhân đạo, y tế, thiếu thốn thuốc men, thiếu điện và nước sạch tiếp tục tác động nghiêm trọng đến cuộc sống người dân Palestine ở Dải Gaza.

Khoảng 70% phụ nữ Palestine sinh sống ở khu vực này hiện đang trong tình trạng thất nghiệp.

Trong thời gian qua, Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tích cực phối hợp triển khai các hoạt động nhân đạo, trong đó hỗ trợ tạo được hàng chục ngàn việc làm tại Gaza.

Tại phiên họp, nhiều nước phát biểu yêu cầu Israel chấm dứt ngay các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và thông thương đối với dải Gaza.

Liên hợp quốc và nhiều nước đã khẳng định lại sự ủng hộ nhất quán đối với giải pháp 2 nhà nước Palestine và Israel chung sống hòa bình, với đường biên giới trước năm 1967, trên cơ sở nghiêm túc thực hiện các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các thỏa thuận trước đó, kêu gọi các bên liên quan kiếm chế tối đa, không leo thang và nhấn mạnh rằng sẽ không thể có hòa bình bền vững ở khu vực Trung Đông nếu không có hành động dứt khoát giải quyết xung đột Israel và Palestine.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phát biểu với tư cách quốc gia, bày tỏ quan ngại trước việc bạo lực gia tăng tại lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng; lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, phụ nữ, trẻ em cũng như các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự, gồm trường học, mùa màng và tài sản của người dân; kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa, không có các hành động khiêu kích hay bạo lực, tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; kêu gọi Israel ngừng ngay việc xây dựng các khu định cư trái phép và dỡ bỏ hạn chế đi lại của người dân tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng; khẳng định ủng hộ nhiệm vụ của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền dân tộc tự quyết và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, chủ quyền; khẳng định giải pháp duy nhất cho xung đột Israel - Palestine là thành lập một Nhà nước Palestine với đường biên giới trước năm 1967, chung sống hòa bình, đảm bảo an ninh và tôn trọng lẫn nhau với nhà nước Israel.

Thảo luận mở sẽ tiếp tục diễn ra trong sáng ngày 22/1 tại phòng họp Hội đồng Bảo an./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục