Từ ngày 9-12/12, Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 33 đã diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu đại diện cho 196 đoàn đại biểu từ các chính phủ và các tổ chức quan sát viên, cùng với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và 192 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia.
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác, dẫn đầu cùng với đoàn của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu.
Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, 70 năm 4 Công ước Geneva được thông qua và 62 năm Việt Nam phê chuẩn các Công ước này.
Hội nghị lần thứ 33 năm nay là diễn đàn chính thức để các chính phủ đã ký các Công ước Geneva và các thành phần trong Phong trào Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định lại sự cam kết của mình áp dụng và thực hiện đầy đủ, đặc biệt ở cấp quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định trong các thời kỳ chiến tranh ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình theo các Công ước Geneva như cung cấp thông tin, đảm bảo hỗ trợ y tế, thực phẩm, nơi ở và nước sạch cho người bệnh, người bị thương và trao trả tù nhân.
Trong thời bình, Việt Nam chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là những người phải chịu hậu quả của bom mìn hoặc chất độc hại trong chiến tranh, giải quyết hậu quả của chiến tranh đối với con người và môi trường.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh nguyên tắc nền tảng của luật nhân đạo quốc tế là tôn trọng mạng sống và nhân phẩm con người, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nguyên tắc này cũng chi phối các hoạt động trên biển, cả trong thời chiến lẫn thời bình. Nghĩa vụ của các quốc gia, các chủ thể phi quốc gia cũng như các cá nhân là bảo vệ những người không tham chiến hoặc không còn tham chiến, đồng thời cứu hộ, cứu nạn người gặp nạn trên biển, bất kể quốc tịch, bất kể nguyên do thiên tai hay sự cố nào khác liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển.
Bên cạnh việc tham dự các phiên họp chính thức, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Chủ tịch và Tổng thư ký Liên đoàn chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cùng Chủ tịch và lãnh đạo một số Hội quốc gia đối tác./.