Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương mà Nghị quyết số 24-NQ/TW đề đề ra.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu đã và đang được ưu tiên triển khai thực hiện trong năm 2015.
- Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, với chức năng là cơ quan điều phối quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, xin Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các chương trình hành động này như thế nào?
- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Việt Nam là một trong 10 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nhất là vào cuối thế kỷ này. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, lại là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Bên cạnh đó, với đặc điểm Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km, nên biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp đến 28 tỉnh ven biển và Đồng bằng sông Hồng.
Vì vậy thời gian qua, các cơ quan thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với Ủy ban quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu, đã cụ thể hóa ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xây dựng chiến lược, các chương trình hành động, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết ứng phó với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là Nghị quyết rất mới, nhằm thực hiện hiệu quả việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực này.
Mặt khác, do khí hậu Trái Đất thay đổi ngoài dự đoán của các nhà khoa học, nên cần phải điều chỉnh kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2100, dự báo Đồng bằng sông Cửu Long ngập thế nào, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như thế nào, cần phải có điều chỉnh kịch bản cho phù hợp.
Ở các nước, tác động của biến đổi khá nhanh còn ở Việt Nam tác động của biến đổi khí hậu cũng rất rõ rệt. Điển hình tại tỉnh Bến Tre, nước biển dâng so với trước thay đổi lớn, vì vậy các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu phải được tính toán lại.
Trên cơ sở kịch bản này các địa phương, các bộ, ngành cần điều chỉnh lại quy hoạch phát triển cho phù hợp và có chương trình điều chỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương, của các ngành.
Với sự giúp đỡ và tài trợ của tổ chức quốc tế, Việt Nam đã xây dựng một số mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Quảng Nam, Bến Tre... Đây là những mô hình tiêu biểu nên thời gian tới sẽ tổ chức và đánh giá lại để có giải pháp nhân ra diện rộng trong tương lai.
Bên cạnh đó, ưu tiên các chương trình, dự án chống xói lở bằng biện pháp đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê biển; xử lý tốt việc chống úng ngập khi nước biển dâng, nhất là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và hai tỉnh Bến Tre, Cà Mau.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời phải tổ chức các cuộc hội thảo, vận động sự hỗ trợ giúp đỡ các tổ chức quốc tế.
Thời gian vừa qua, Bộ “rất tranh thủ” sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng thế giới (WB) trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở kế hoạch được xây dựng nhờ Hà Lan giúp đỡ.
Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong các hội nghị về biến đổi khí hậu, điển hình là sự tham gia COP 20 và tham gia COP 21 sắp tới tại Paris; COP 21 sẽ có quyết định quan trọng của quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu.
Bộ cũng đề nghị với Chính phủ, Quốc hội có chương trình trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi trọng điểm cần dành thêm nguồn lực cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thưa Bộ trưởng, vai trò cộng đồng cũng như các địa phương rất quan trọng, thời gian tới, Bộ có biện pháp gì nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng?
- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thời gian qua, chính sách pháp luật của Việt Nam về biến đổi khí hậu được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, tạo cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, trong đó vai trò cộng đồng là nội dung rất quan trọng.
Như trên đã nói, việc xây dựng chương trình, hành động, chiến lược, hoạt động cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu xảy ra tại cộng đồng cũng như vấn đề ứng phó với thiên tai, lũ lụt, nước biển dâng đều được thực hiện tại cộng đồng. Do đó làm thế nào để chính từng người dân, tổ chức tại cộng đồng phải thực hiện vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, chúng ta đã đề ra "bốn nguyên tắc tại chỗ" để thấy vai trò của cộng đồng rất quan trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó cần làm tốt công tác truyền thông đề cao vai trò cộng đồng, cung cấp cho cộng đồng những kiến thức nhất định để họ tự ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực tiễn cuộc sống, cũng như góp phần nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu ở mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai đã được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu để cộng đồng chủ động phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngoài ra, vấn đề đào tạo nhân lực tại cộng đồng cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng có vị trí rất quan trọng, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh gắn với yêu cầu biến đổi khí hậu nhằm phát triển dài hạn và bền vững.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cộng đồng, nhà nước cũng cần tăng tỷ lệ ngân sách nhất định để xử lý những vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Không chỉ chờ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, mà chính chúng ta phải chủ động để góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!