Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đưa tin, ngày 11/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị Cấp cao của Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), Thái Lan, Việt Nam, Bhutan, Liên minh châu Âu (EU), UNEP và Switch Asia đã đồng tổ chức sự kiện “Kinh tế Xanh và Tác động mang tính chuyển đổi đối với Phát triển Bền vững trên mọi khía cạnh.”
Các diễn giả đều là đại diện lãnh đạo Chính phủ các nước cùng các chuyên gia về Môi trường và Phát triển Bền vững.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đại diện cho Việt Nam tham dự và phát biểu tại cuộc họp.
Các diễn giả đã chia sẻ các góc nhìn của từng quốc gia, tổ chức về các giải pháp nhằm thúc đẩy một nền Kinh tế Xanh, các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đem lại những lợi ích toàn diện cho người dân, giảm thiểu các tác động môi trường.
[Việt Nam đồng tổ chức sự kiện quản lý rủi ro trong cấp nước và vệ sinh]
Đại biểu của Thái Lan nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các khung chính sách nhằm thúc đẩy Kinh tế Xanh và các nỗ lực để biến các chính sách này thành hiện thực, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Đại sứ Trưởng Phái đoàn Bhutan tại Liên hợp quốc chia sẻ về chính sách du lịch “giá trị cao, tác động thấp” của Bhutan nhằm thu hút các phân khúc khách hàng phù hợp với đặc điểm tự nhiên-văn hóa và xã hội của Bhutan; đồng thời Bhutan cũng thúc đẩy phương pháp tiếp cận tổng thể về phồn vinh quốc gia dựa trên Chỉ số Hạnh phúc (GNH).
Đại biểu EU nêu lên ví dụ tiêu biểu của EU về Nền Kinh tế vòng tròn (Circular Economy) nhằm giảm thiểu giảm thiểu rác thải và dư thừa, phí phạm trong chu trình sản xuất và tiêu dùng.
Đại diện của UNEP chia sẻ về các nỗ lực hợp tác với khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy các giải pháp tái chế nhựa và dần dần loại bỏ việc sử dụng sản phẩm nhựa.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã trình bày về các thành tựu trong nông nghiệp của Việt Nam, chính sách thúc đẩy Nông nghiệp Xanh cũng như những thách thức đối với nông nghiệp bền vững, trong đó có vấn đề năng suất thấp và tác động môi trường do việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến cụ thể nhằm đưa chính sách vào cuộc sống, trong đó có sáng kiến VietGAPs giúp tăng năng suất và giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao thu nhập của người nông dân.
Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm và tham gia đông đảo của các thành viên Liên hợp quốc cùng các chủ thể khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Các ý kiến thảo luận sôi nổi, góp phần thiết thực vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này./.