Khóa họp lần thứ 59 của Ủy ban Phát triển Xã hội của Liên hợp quốc (CSocD) đang diễn ra từ ngày 8-17/2 theo hình thức trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững: Vai trò của công nghệ số đối với phát triển xã hội và phúc lợi cho tất cả mọi người."
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có đối với phát triển xã hội và phúc lợi của mọi người trên toàn thế giới.
Bất bình đẳng, nghèo cùng cực, thất nghiệp, tiêu thụ quá mức, suy thoái môi trường, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu cũng tiếp tục gây tác động nghiêm trọng, cho thấy sự cần thiết phải chuyển đổi xã hội sang hướng phát triển bền vững.
Báo cáo cho rằng, công nghệ kỹ thuật số có thể góp phần giải quyết các thách thức này, thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Các nước cần thúc đẩy chuyển đổi về mặt xã hội, thay đổi trong suy nghĩ và cách tiếp cận, từ theo đuổi lợi ích kinh tế và vật chất ngắn hạn sang tái cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường nhằm xây dựng một tương lai bền vững chung cho tất cả mọi người.
Phát biểu tại Khóa họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir nhấn mạnh, năm 2020 được cho là năm khởi động “Thập kỷ hành động” đẩy nhanh Chương trình nghị sự 2030, song thế giới lại đối mặt với sự thụt lùi lớn nhất về kinh tế, xã hội kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Bozkir cho rằng phải ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng, đề nghị hệ thống Phát triển Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ các quốc gia phục hồi trong giai đoạn hậu COVID-19 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Theo ông Bozkir, bất cứ sự phục hồi nào cũng phải lấy con người làm trung tâm và các chính sách xã hội cần tính tới các nhu cầu cụ thể của những người bị ảnh hưởng nhất.
["Make in Viet Nam" và câu chuyện của doanh nghiệp công nghệ số]
Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) Munir Akram cho rằng các nước nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch, do vậy cần thúc đẩy phục hồi với các chính sách giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Để thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số và thu hẹp khoảng cách số, ông Akram cho rằng thế giới cần 428 tỷ USD để đầu tư cho băng thông rộng toàn cầu và đây là thời điểm cho sự đổi mới, sáng tạo và đoàn kết.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, ông Lưu Chấn Dân khẳng định công nghệ đóng vai trò quan trọng để đạt được tất cả các mục tiêu, nhưng để khai thác đầy đủ tiềm năng của công nghệ, cần phải có hành động nhanh chóng để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, thúc đẩy hội nhập và tạo điều kiện cho 3 tỷ người có thể truy cập Internet, nhấn mạnh phải bảo đảm các dịch vụ công có chất lượng và thúc đẩy cơ hội bình đẳng, cũng như đầu tư vào việc làm.
Thảo luận tại Khóa họp, từ thực tiễn quốc gia, các nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và sáng kiến về chính sách xã hội, tạo điều kiện và phổ cập tiếp cận kỹ thuật số cho người dân, ứng dụng công nghệ để tăng cường sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Phát biểu tại Khoá họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh việc tranh thủ các thành tựu của công nghệ số và giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Để làm được điều này, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cần chú trọng vào vấn đề giáo dục và đào tạo kỹ năng khoa học-công nghệ. Các chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ số, cung cấp dịch vụ với giá cả phù hợp, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa.
Các chính sách phát triển cần tính tới các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo cân bằng phục hồi kinh tế với phát triển bền vững. Đại sứ nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết hỗ trợ phát triển chính thức, đạt mục tiêu dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho hỗ trợ phát triển chính thức các nước đang phát triển.
Đại sứ cũng khẳng định chính phủ Việt Nam luôn coi con người là động lực phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách toàn diện, bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân, được cộng đồng quốc tế công nhận là nước thành công trong xóa đói giảm nghèo.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kép là vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội thông qua phát hành gói bảo trợ xã hội trị giá 2,6 tỷ USD. Việt Nam cũng chú trọng ứng dụng kỹ thuật số để phục vụ phát triển và thực hiện các chính sách xã hội, cam kết thực hiện tích cực và đầy đủ các trách nhiệm của mình, đóng góp cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy phát triển xã hội toàn cầu./.