Việt Nam-Canada thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng sạch

Nhiều giải pháp hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch giữa hai nước đã được các chuyên gia giới thiệu tại Diễn đàn Hợp tác Năng lượng Sạch Canada-Việt Nam.
Việt Nam-Canada thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng sạch ảnh 1Diễn đàn Hợp tác Năng lượng Sạch Canada-Việt Nam. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 21/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN tổ chức Diễn đàn Hợp tác Năng lượng Sạch Canada-Việt Nam.

Sự kiện nhằm kết nối khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam và Canada về hợp tác trong phát triển năng lượng sạch, qua đó Canada có thể đóng góp cho JETP (Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng) giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.

Nhiều giải pháp hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước đã được các chuyên gia giới thiệu tại diễn đàn.

[Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều rào cản]

Tại diễn đàn, ông Ranjith Narayanasamy, Chủ tịch kiêm CEO của Viện Nghiên cứu Công nghệ Hóa dầu - PTRC, cho biết công nghệ thu giữ, sử dụng, lưu trữ và tái chế carbon (CCUS) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng sạch.

Với 22 năm kinh nghiệm, PTRC đã triển khai nhiều dự án lưu trữ CO2 hiệu quả, điển hình như dự án Aquistore tại Nhà máy Nhiệt điện Boundary Dam (tỉnh Saskatchewan, Canada).

Đây là nhà máy nhiệt điện áp dụng rất thành công công nghệ thu hồi và lưu trữ CO2.

Khí CO2 trong quá trình vận hành nhà máy được thu hồi qua hệ thống đường ống dẫn và lưu trữ trong lòng đất với độ sâu 3,4km. Hiện tổng lượng CO2 được lưu trữ tại dự án là khoảng trên 500.000 tấn.

Tại Việt Nam, PTRC cũng tham gia dự án nghiên cứu thử nghiệm công nghệ này do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

PTRC tham gia tư vấn các khu vực có địa chất phù hợp cho việc lưu trữ CO2 và hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu là các doanh nghiệp trong nước cũng bày tỏ băn khoăn khi việc phát triển và ứng dụng các công nghệ về CCUS tại Việt Nam còn đang gặp rất nhiều thử thách, yêu cầu phải qua những bước thử nghiệm, thí điểm ở quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư cao.

Ông Micheal Smart, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC), cho biết EDC có những giải pháp tài chính đặc thù cho những dự án về khí hậu.

Là một tập đoàn nhà nước trực thuộc Chính phủ Canada, EDC cung cấp các khoản vay liên quan tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Tính từ năm 2012 đến nay, EDC đã cấp hơn 35 tỷ đôla Canada cho các dự án ứng dụng công nghệ sạch.

Còn theo ông Boris Jacouty, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Hạ tầng, Cơ quan Xúc tiến Thương mại Canada (CCC), CCC hỗ trợ các đối tác nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Canada và hưởng lợi từ cơ chế bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Chính phủ Canada.

CCC sẽ đứng ký hợp đồng bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Canada với đối tác nước ngoài.

Trong giai đoạn 2021-2022, tổng giá trị hợp đồng được CCC hỗ trợ đạt 6,5 tỷ USD.

Theo Tổng Lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh, thỏa thuận đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng - JETP mà Việt Nam ký kết với các nước G7; trong đó, Canada sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục