Nằm trong khuôn khổ những sự kiện chính của Diễn đàn hợp tác Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long - MDEC Sóc Trăng 2014, ngày 7/11, tại trung tâm Văn hóa Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị "Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững."
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh hội nghị này nhằm tạo ra các cuộc đối thoại đa chiều, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, cải thiện cơ sở hạ tầng, hướng tới nền kinh tế xanh dược coi là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống.
Hội nghị đề cập tới việc tăng trưởng xanh phải là tăng trưởng do con người, vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết giảm nghèo bền vững. Tăng trưởng xanh phải đồng bộ với đầu tư, bảo tồn, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường. Theo đó, kích thích tăng trưởng kinh tế trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đối phó và thích ứng với tình trạng nước biển dâng cao tại nhiều vùng của Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu đã nêu lên thách thức trong việc thực hiện nền sản xuất xanh.
Tiến sỹ Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học-Giáo dục-Tài nguyên và Môi trường, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng để thực hiện theo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần tới 30 tỷ USD, trong khi đó năng lực và kinh nghiệm của Việt Nam còn hạn chế, thiếu các chính sách huy động nguồn lực tài chính.
Do đó, theo tiến sỹ, khung pháp lý, chính sách, cơ chế rõ ràng cần được xây dựng; huy động tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực, kiện toàn tổ chức bộ máy hiện có. Việt Nam cần thực hiện kế thừa kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân... để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất điện, điện gió, năng lượng sạch...
Các tham luận, ý kiến phát biểu tại hội nghị xoay quanh các vấn đề về thực trạng, cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vai trò của kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp với tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của các Hội nông dân, Hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu cũng được đề cập tại hội nghị; giải pháp nâng cao năng lực quản lý rủi ro của nông dân và các thành phần kinh tế nông thôn khác; thúc đẩy đầu tư cho công nghiệp phục vụ nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế xanh bền vững với xây dựng nông thôn mới được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo Chiến lược Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của Việt Nam từ năm 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng-Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày, chỉ tiêu đến năm 2020 của Việt Nam tập trung tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng thân thiện với môi trường. Giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm trên 45% GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 30%, tỷ lệ bao phủ rừng tăng lên 45%; 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường./.