Tại hội thảo “Góp ý kiến hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy,” đa số ý kiến cho rằng Việt Nam cần sớm gia nhập Công ước này.
Hội thảo do Cục Quản lý Tài nguyên nước-Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với hai tổ chức quốc tế là IWCN và WWF tổ chức ngày 6/12, tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn góp ý về vấn đề Việt Nam có nên tham gia Công ước ở thời điểm hiện tại không và những thuận lợi, khó khăn cơ bản khi Việt Nam gia nhập Công ước. Dự thảo báo cáo sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện sẽ là một trong những tài liệu quan trọng giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng hồ sơ trình Chính phủ.
Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy được Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 41 thông qua ngày 21/5/1997, gồm 7 phần, 37 điều và 1 phụ lục. Đến nay, đã có 31 quốc gia tham gia Công ước.
Mặc dù vậy, Công ước vẫn chưa có hiệu lực vì theo quy định, để Công ước có hiệu lực phải có ít nhất 35 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập. Đây là công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam nằm ở hạ nguồn các con sông liên quốc gia lớn, với khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm được sản sinh từ nước ngoài. Các nguồn nước có tác động quan trọng nhất trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội quốc gia đều bắt nguồn từ các quốc gia khác cho nên Việt Nam chịu tác động rất lớn từ việc sử dụng nước của các quốc gia thượng lưu.
Việc Việt Nam nên tham gia Công ước sớm sẽ có lợi trong việc bảo tồn hệ sinh thái nguồn nước, đặc biệt là giảm thiểu các tác động do việc tăng cường khai thác, sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên chủ động tham gia vào Công ước, không nên chờ đợi sự gia nhập của các nước khác. Việc gia nhập Công ước sẽ tạo cho Việt Nam cơ sở pháp lý về chính trị xã hội để tạo cho Việt Nam sức mạnh, nâng cao vị thế trong việc thương lượng trên diễn đàn quốc tế.
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, ngay sau khi Công ước có hiệu lực, Việt Nam cần ban hành ngay những văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện công ước tại Việt Nam.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng Việt Nam nên gia nhập Công ước với tư cách ở cấp Chính phủ để đảm bảo lợi ích cộng đồng sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Việc tham gia Công ước sẽ tạo nền tảng cơ sở pháp lý thuận lợi để Việt Nam xúc tiến đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương với các quốc gia trong việc hợp tác và giải quyết tranh chấp, bất đồng về bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước chung./.