Với mức tăng trưởng ổn định, bức tranh xuất khẩu đang nổi lên với nhiều gam màu tích cực.
Không chỉ dừng lại ở mức 6-7% như mục tiêu đặt ra, năm nay ngành công thương hoàn toàn tự tin rằng kim ngạch xuất khẩu có thể cán đích 203 tỷ USD và tăng trưởng gấp đôi tới 14,5%.
Dù có mức tăng trưởng ấn tượng trong 8 tháng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 133,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu cũng đã có xu hướng quay trở lại với con số khoảng 2,13 tỷ USD.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là để tăng trưởng bền vững cho năm nay và những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn cần có những giải pháp dài hơi giúp nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, cũng như những giải pháp để nhập siêu trong tầm kiểm soát.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, đến giờ có thể thấy để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm không còn là quá khó khi xuất khẩu vẫn có sự tăng trưởng đều trong những tháng qua. Ông có thể chia sẻ đâu là động lực để chúng ta có được kết quả khả quan như vậy ?
Ông Trần Thanh Hải: Sau 8 tháng Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 133,5 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng hơn 15%.
Có thể nói trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới hiện nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là khá cao.
Để có được kết quả vậy là nhờ một số lý do như thứ nhất là thời gian qua Việt Nam tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do và điều đó đã lôi cuốn các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực sản xuất, bắt đầu xuất khẩu gia tăng tương đối mạnh.
Thứ hai là giá trên thế giới hiện nay đang có xu hướng tăng, kể cả giá hàng nguyên liệu cũng như hàng chế biến. Từ đó giúp chúng ta cùng với khối lượng xuất khẩu gia tăng thì giá trị kim ngạch cũng gia tăng tương ứng.
Một điểm nữa, đó là sự nỗ lực của Chính phủ khi đã có những hành động cải cách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giảm bớt các rào cản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Việc đơn giản hóa thủ tục vẫn còn là câu chuyện dài, nhưng bước đầu chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả của nỗ lực này và điều này đang được cộng đồng doanh nghiệp hào hứng đón nhận.
Bên cạnh đó, các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giầy, điện thoại, máy tính vẫn có sự tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới rất cao.
- Bên cạnh rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản với 2,35 tỷ USD, đồng thời với đó là nhập khẩu mặt hàng này trong 8 tháng cũng tăng 93,7% với 1,02 tỷ USD. Xin ông cho biết tại sao rau quả chúng ta nhập nhiều trong khi vẫn còn đó những chương trình giải cứu nông sản?
Ông Trần Thanh Hải: Nông sản Việt Nam là mặt hàng khá đặc thù, phụ thuộc nhiều vào vấn đề thời tiết cũng như nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và đặc biệt là sản xuất nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là ở quy mô nhỏ, phân tán về các hộ gia đình.
Điều này dẫn đến tình trạng chúng ta khó kiểm soát được chất lượng, không xây dựng được thương hiệu chung, bên cạnh đó sản lượng không ổn định.
Trong khi đó, thuế suất rau quả của khu vực ASEAN cơ bản về 0% đã tạo ra sự ngang bằng với nông sản Việt Nam cũng như không còn rào cản đối với mặt hàng này giữa các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng Việt cũng đang được nâng cao. Với vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng Việt cũng mong muốn có sự lựa chọn phong phú hơn, đặc biệt đối với những mặt hàng có thương hiệu hoặc chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Song song đó, một số doanh nghiệp nhập khẩu rau quả từ Thái Lan sau đó tiếp tục tái xuất sang thị trường Trung Quốc, điều đó cũng lý giải hiện tượng Việt Nam xuất khẩu rau quả nhiều nhưng nhập khẩu cũng gia tăng trong thời gian qua.
- Ngược chiều với kết quả cả năm 2016 là xuất siêu hàng tỷ USD thì nhập siêu đang có xu hướng quay trở lại. Theo ông đâu là những lý do?
Ông Trần Thanh Hải: Nhập khẩu là nhu cầu rất lớn của một nền kinh tế bất kỳ, đặc biệt là đối với Việt Nam hiện nay.
Nếu nhìn vào cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu thì Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập nguyên liệu về sản xuất.
Chúng ta sản xuất dệt may lớn nhưng cũng nhập khẩu vải không ít hoặc điện thoại di động chúng ta xuất khẩu nhiều, chúng ta cũng phải nhập khẩu phụ kiện để sản xuất ra mặt hàng này.
Còn về nhập siêu trong năm nay, có thể thấy là tỷ lệ không lớn so với cán cân thương mại nói chung và với mức hơn 2 tỷ USD, đây là mức cân bằng và hợp lý.
- Để giảm nhập siêu cần những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Mục tiêu quan trọng nhất đối với Việt Nam đó là đảm bảo duy trì cán cân thương mại hợp lý.
Tuy nhiên, thế nào là hợp lý cần đánh giá trên nhiều khía cạnh, đầu tiên nếu nhìn vào con số nhập siêu hay xuất siêu thì nó ảnh hưởng đến cán cân thương mại, ảnh hưởng đến dòng ngoại tệ mà chúng ta cần để mức nhập siêu không quá lớn so với tổng cán cân thương mại.
Thứ hai là về cơ cấu mặt hàng, nếu Việt Nam nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng mà trong nước sản xuất được, đây là điều rất đáng lo ngại.
Còn nếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thì có thể chấp nhận được.
- Vậy theo ông, bên cạnh việc giảm nhập siêu, để giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững và ổn định thì chúng ta cần lưu ý điều gì?
Ông Trần Thanh Hải: Hiện xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn dựa vào gia tăng về lượng mà điều này, có giới hạn nhất định. Nếu dựa vào gia tăng về lượng không thể tạo ra được tăng trưởng bền vững.
Về lâu dài, Việt Nam cần chuyển biến từ gia tăng về lượng sang gia tăng về chất. Bên cạnh đó, hoạt động điều hành xuất nhập khẩu không nên chạy theo những con số tăng trưởng mà cần hướng tới sự ổn định về sản xuất cũng như phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao mức sống tối thiểu cho người dân.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam vẫn đang nằm ở công đoạn có giá trị thấp trong cả chuỗi giá trị của mặt hàng.
Vì vậy cần mở rộng sang công đoạn có giá trị cao hơn và đặc biệt cần chú trọng khâu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tự mình có thể bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng thương hiệu của chính mình.
- Bộ Công Thương sẽ có những hành động nào để giúp doanh nghiệp phát triển thị trường, thích ứng với những rào cản từ thị trường xuất khẩu, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Bộ Công Thương hiện nay đang tiến hành công cuộc cải cách rất mạnh mẽ trong đơn giản thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Đặc biệt Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua; trong đó Bộ Công Thương được giao xây dựng 5 nghị định hướng dẫn cho bộ luật này.
Đây là thời điểm Bộ Công Thương đang tập trung rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu để tạo ra sự đột phá, cải cách trong công tác quản lý để vừa đảm bảo quản lý được chặt chẽ nhưng mặt khác lại tạo ra được sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó giải phóng tiềm lực, khả năng của doanh nghiệp, của xã hội để đưa vào sản xuất.
Xin cảm ơn ông!