Ngày 5/5, tại Bình Phước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối năm 2017 diện tích cây điều cả nước là 337.143ha, tăng 4.410ha so với năm trước đó.
Về năng suất, trong giai đoạn 2008-2013, năng suất điều của Việt Nam luôn duy trì ở mức thấp, đạt dưới 1 tấn/ha.
Về sản xuất, Việt Nam có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều, với tổng công suất thiết kế trên 1,4 triệu tấn hạt/năm. Tuy nhiên, số cơ sở chế biến nhỏ vẫn chiếm tới gần 70%.
Về tiêu thụ điều nhân, Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ và là một trong những "cường quốc" xuất khẩu hạt điều với giá trị xuất khẩu ngày càng cao.
Năm 2017, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD. Cùng với đó là việc hình thành một ngành công nghiệp chế biến điều, góp phần tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực trồng trọt và sản xuất cho gần 1 triệu dân.
[Ngành chế biến điều còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu]
Khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là phần lớn diện tích trồng điều phân bố ở vùng sâu, vùng xa; chưa được quan tâm đầu tư thâm canh, đặc biệt là tưới nước, quản lý sâu bệnh, bón phân; liên kết sản xuất và chế biến sâu còn hạn chế…
Do năng suất điều còn thấp nên kém hiệu quả kinh tế và đang bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác. Công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 1999 đến nay, mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, năng suất điều có thể tăng được 30-40%, nếu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều.
Bên cạnh đó, các giải pháp khác như tái canh, liên kết bốn nhà, chế biến sâu cần được chú trọng đầu tư trong thời gian tới để ngành điều phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới ngành điều cần tập trung vào các giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Các bộ, ngành, hiệp hội phải vào cuộc và các tỉnh có diện tích điều phải có niềm tin vào cây điều.
Theo Bộ trưởng, cần nêu gương, tôn vinh kịp thời những nông dân trồng điều giỏi, doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, chất lượng. Đối với người nông dân phải từng bước thâm canh, nhưng không tăng diện tích.
Bộ trưởng cũng đồng ý đề xuất của tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ hội quả điều vàng vào năm 2019.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để cây điều phát triển bền vững vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng không phải là vấn đề quá khó.
Cấp tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, có sự đầu tư rõ ràng; tập trung những nhóm giải pháp như chế biến chuyên sâu, liên kết sản xuất nhằm tăng trưởng tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng hạt điều Việt Nam./.