Ngày 19/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về các thách thức trong thể chế quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm của xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội.
Những năm qua, ngành nông nghiệp luôn quan tâm và đưa vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Năm nay, ngành nông nghiệp định hướng là năm an toàn thực phẩm và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để triển khai chương trình an toàn hiệu quả, việc nghiên cứu hệ thống thể chế quản lý là vấn đề quan trọng nhằm hướng tới đổi mới toàn diện công tác an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Việt Nam đã xây dựng khung pháp luật và chính sách được quản lý và kiểm soát dựa trên nguy cơ, hài hòa với thỏa thuận WTO/SPS và các tiêu chuẩn, quy phạm, hướng dẫn của Codex.
Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đã được phân công và cơ chế điều phối, phối hợp rõ ràng giữa ba bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, theo ông Tiệp, các văn bản dưới luật chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa; chưa gắn kết quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đầu ra) với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý, kiểm soát vẫn còn dàn trải, phân tán giữa các cấp; vẫn hạn chế về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và kinh phí hoạt động hay sự điều phối phối hợp trong thực tiễn.
Bà Lucia Frick, Tư vấn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada, cho rằng ba bộ trên cần tăng cường phối hợp, tối đa hóa hiệu quả của các nguồn lực; xây dựng hệ thống thực thi sát với thực tiễn; đặc biệt tăng cường xử lý các gian lận liên quan đến an toàn thực phẩm.
Để làm được điều này cần phải tăng tính chuyên nghiệp của thanh tra trong lĩnh vực này. Đối với địa phương, cần có hệ thống giám sát an toàn thực phẩm ở các tỉnh, xác định các biện pháp thực thi và thực hiện chúng, chú ý tối đa hóa tính minh bạch trong việc thực thi, hành động.
Cùng chung quan điểm đó, bà Shashi Sareen, chuyên gia cao cấp về An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FAO, cho rằng cần tăng cường sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và chính quyền cấp tỉnh.
Giải quyết an toàn thực phẩm cần giải quyết một cách tập trung, triệt để, làm rõ các lĩnh vực còn tranh cãi, tiếp cận thông tin, nghiên cứu, bà Shashi Sareen nhấn mạnh./.