'Việt Nam cần đẩy nhanh phục hồi DN để không lỡ nhịp với thế giới'

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tích cực phòng chống dịch nhưng cũng cần đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp, tránh nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang và Hải Phòng thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang và Hải Phòng thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Thảo luận tại tổ chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với Chính phủ về việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay đồng thời quan tâm đến việc thực hiện "mục tiêu kép" về phát triển kinh tế-xã hội.

Tập trung cao độ cho phòng, chống dịch

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá rằng 6 tháng qua, nước ta gặp phải hai đợt dịch và đều rơi vào hai cao điểm kinh tế. Đợt 1 là Tết Nguyên đán, cao điểm tiêu dùng, du lịch. Đợt dịch lần thứ hai rơi vào những vùng trọng điểm về kinh tế như các khu công nghiệp, các đô thị lớn.

Tuy vậy, kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan, GDP tăng 5,64%, CPI 1,47%, thu ngân sách đạt 58,3%. Đây là những con số rất ấn tượng. GDP tăng 5,64% không phải là cao so với mục tiêu đặt ra, tuy nhiên có thể thấy rằng mặc dù có ảnh hưởng rất lớn của dịch nhưng kinh tế vẫn đang đà đi lên. Chúng ta ngược trở lại quá khứ, đáy của nền kinh tế Việt Nam rơi vào quý I/2020, tốc độ tăng trưởng 0,39%; sang đến quý III là 2,69%, quý IV là 4,48%. Quý I/2021, tốc độ tăng trưởng là 4,48% và quý II là 6,64%. Như vậy, dù dịch bệnh phức tạp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn có xu hướng đi lên.

"Nếu chúng ta có biện pháp tập trung cho khống chế dịch tốt, không để dịch lây lan trầm trọng hơn thì tôi kỳ vọng rằng đà tăng trưởng kinh tế như vừa qua chúng ta sẽ giữ được. Vì vậy, tôi rất đồng tình với Chính phủ tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch," đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thu ngân sách đạt 58,3% là con số rất tốt để có dư địa hơn nữa cho việc thực hiện các chính sách về tài khóa. Cộng thêm CPI thấp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Đầu năm, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong việc hạ lãi suất cho vay, nhưng khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của doanh nghiệp chênh rất lớn. Đây là dư địa để tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Nếu không cẩn trọng thì chúng ta sẽ bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Hiện kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi rất nhanh. Mỹ quý I tăng 6,4%; Trung Quốc quý I tăng đến 13%, quý II tăng 8,1%; Singapore quý II tăng 10%... 

'Việt Nam cần đẩy nhanh phục hồi DN để không lỡ nhịp với thế giới' ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

"Nếu chúng ta không đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp thì tôi nghĩ nguy cơ chúng ta lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu. Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng ‘hà hơi, thổi ngạt’ như vừa qua, không phải chỉ để doanh nghiệp không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của doanh nghiệp," đại biểu Cường nêu ý kiến.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các doanh nghiệp có được nguồn lực tốt thì thậm chí có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy; có thể mua lại các dây chuyền, mua lại những công nghệ của nước ngoài về để thay thế.

Trao đổi về vấn đề lãi suất ngân hàng, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho biết vừa qua, hệ thống các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đức Ấn cũng chỉ ra nguy cơ rằng sang năm, nếu tình trạng doanh nghiệp yếu đi, trong khi chúng ta chưa có chính sách gì cụ thể hơn, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng nợ xấu và hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng lợi nhuận rất thấp.

Giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng

Trong bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp khó khăn trong bối cảnh dịch, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn rất chậm dù câu chuyện này được đề cập qua nhiều nhiệm kỳ. Nguyên nhân chính là luật pháp còn vướng mắc và quy trình ngân sách, kế hoạch triển khai chậm trễ.

Đề cập vấn đề đầu tư công, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) ủng hộ tinh thần quyết định đầu tư có lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm để tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt. Mặt khác, tiến độ giải ngân các dự án vẫn còn rất rất chậm, gây lãng phí.

Theo đại biểu, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam phía Đông hay sân bay Long Thành nếu không quyết liệt thì nguy cơ chậm tiến độ rất cao, bởi ngoài câu chuyện mặt bằng thì còn vấn đề nguồn vật liệu xây dựng. Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 kịp thời, nhưng có địa phương làm tốt trong khi có nơi thì không. Vấn đề này cũng khiến đặt ra câu hỏi liệu có hay không hiện tượng đầu cơ tích trữ nguồn vật liệu để tăng giá, bởi nhiều mặt hàng có sự tăng giá khá vô lý. Đại biểu mong Chính phủ chỉ đạo, điều hành quyết liệt để dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả.

[ĐBQH: Phát triển mạnh kinh tế biển cần song song với bảo vệ môi trường]

Còn đối với các đại dự án thua lỗ kéo dài, đại biểu mong rằng Chính phủ quyết liệt giải quyết. "Cái nào cần thêm đầu tư để khởi động được thì tập trung, nhưng cái nào thực sự không thể vận hành được thì đau cũng phải cắt, nếu không thua lỗ kéo dài,” đại biểu Đôn Tuấn Phong nêu quan điểm.

Đề cập đến 12 dự án thua lỗ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết theo báo cáo của năm 2020, các dự án này nợ hơn 63.000 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 26.000 tỷ đồng và hiện Chính phủ vẫn đang tìm giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh: "Đã đến lúc cần có quyết sách mạnh dạn hơn bởi loay hoay mãi mà không xử lý được thì ngày càng lỗ thêm."

Trước diễn biến của dịch, nhiều đại biểu cho rằng các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng đã được công bố vừa qua là quyết sách kịp thời, quý báu giúp doanh nghiệp, người lao động, nhất là đối tượng yếu thế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan ngại là việc giải ngân gói 62.000 tỷ rất chậm. Do đó, các cơ quan liên quan cần tích cực hơn để chính sách này đến với người dân càng nhanh càng tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục