Để thực hiện được các mục tiêu về chính sách xã hội, theo các chuyên gia của Liên hợp quốc Việt Nam sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, trong đó chú trọng giải ngân kịp thời, đúng thời gian ở cấp địa phương và cải thiện phối hợp liên ngành để có các dịch vụ xã hội toàn diện hơn.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc, Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội.
Nguồn lực cho chính sách xã hội còn hạn chế
Tại buổi toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thẳng thắn chia sẻ việc thực hiện một số chính sách xã hội tại Việt Nam còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn.
Theo Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội đến nay chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại. Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang gặp những thách thức về chính sách xã hội như các chính sách tiếp cận chung cho tất cả các nhóm khiến các nhóm dễ bị tổn thương bị tụt lại phía sau; lồng ghép giới chưa hiệu quả, chưa xác định được những phân biệt đối xử gián tiếp trên cơ sở giới.
Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng đầu tư công không đủ và không hiệu quả đối với các lĩnh vực xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, bức tranh chi tiêu năm 2020 cho thấy giáo dục mầm non chiếm 19,8% tổng chi cho giáo dục trong khi đào tạo nghề rất khiêm tốn ở mức 1,5%.
Theo số liệu của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, đối với chi tiêu công cho an sinh xã hội, trong khi mức chi tiêu này đứng thứ hai trong tổng chi của Chính phủ nhưng đầu tư chăm sóc bảo vệ trẻ em và trợ giúp xã hội còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,2%. Ngân sách thực tế chi cho dinh dưỡng của Việt Nam đến năm 2025 dự kiến là khoảng 2.717 tỷ đồng nhưng con số này chỉ chiếm 5% so với ngân sách lý tưởng cần có là hơn 54.200 tỷ đồng.
Con người là trung tâm của chính sách
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam đã đặt ra những định hướng về chính sách xã hội cho thời gian sắp tới, trong đó xác định: “Con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.”
Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau... Với tinh thần con người là trung tâm của quá trình phát triển, chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.
[Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo]
Việt Nam đã có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (dự kiến tổ chức vào nửa đầu năm 2023).
Đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng để đạt được các mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần cải thiện khung chính sách bằng cách đưa những dịch vụ xã hội chưa được đề cập trong các nghị quyết trước đây và nghị quyết mới như bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực, vệ sinh môi trường, tập trung hơn vào dinh dưỡng trong lĩnh vực y tế…
Việt Nam cũng cần phải phát triển các dịch vụ xã hội để đáp ứng nhu cầu cá nhân, vượt khỏi phương pháp truyền thống là một cách tiếp cận cho tất cả mọi người. Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cả nhân lực và tài chính vào các dịch vụ xã hội dựa vào cộng đồng và nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là mạng lưới cán bộ xã hội chuyên trách./.