Việt Nam-Campuchia: Những năm tháng không thể nào quên

Cách đây 35 năm, được sự giúp đỡ chí tình của quân tình nguyện Việt Nam, dân tộc Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam, góp phần cùng quân và dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2014), những cựu quân tình nguyện Việt Nam năm xưa lại có dịp gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm “vào sinh ra tử,” những năm tháng không thể nào quên khi làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đã từng hơn 11 năm công tác, chiến đấu, sát cánh cùng nhân dân Campuchia chia sẻ: Chiến tranh Tây Nam là cuộc chiến của Việt Nam bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đồng thời nhân dân, quân đội Việt Nam đã cùng cùng nhân dân, những người yêu nước Campuchia đứng dậy đánh bại chế độ diệt chủng.

Việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng đúng với tinh thần quốc tế, cũng chính là bảo vệ dân tộc Việt Nam - người cựu chiến binh Lê Khả Phiêu nhấn mạnh.

Đáp lại đề nghị trợ giúp của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, tiến công tiêu diệt lực lượng Pol Pot đến sào huyệt cuối cùng.

“Thương dân bạn cũng như dân mình,” vì vậy khi sang Campuchia, quân đội Việt Nam luôn trân trọng dân, tài sản của nhân dân, của đất nước Campuchia được bộ đội Việt Nam giữ gìn cẩn trọng, không tơ hào chút nào.

Sau khi giải phóng Phnom Penh (7/1/1979), quân tình nguyện Việt Nam không chỉ tiếp tục giúp đỡ lực lượng cách mạng truy đuổi tàn quân Pol Pot, mà còn tham gia tổ chức lại cuộc sống cho nhân dân Campuchia trong suốt 10 năm trời.

Bác Lê Duy Nga, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 4B, Sư đoàn 379 hồi tưởng năm 1979, sau khi giải phóng Phnom Penh, toàn bộ Sư đoàn 379 nhận lệnh hành quân lên khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot.

Hơn hai năm sống, chiến đấu trên nước bạn, bác Nga và đồng đội đã tận mắt chứng kiến tội ác man rợ của tập đoàn diệt chủng. Chúng biến trường học, nhà trường thành nhà tù. Đi đến đâu chúng cũng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân.

Có lần, chúng kéo hàng nghìn người dân, kể cả cụ già, phụ nữ, trẻ em vào sâu trong rừng. Rừng Campuchia nổi tiếng thâm u và khắc nghiệt. Về mùa khô, người dân đi hàng chục km không tìm được nước uống. Các con suối đều cạn khô. Hàng trăm người dân Campuchia bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc vì bị tra tấn, đói khát và sốt rét.

Khi bị quân tình nguyện Việt Nam truy quét, tàn quân Pol Pot tháo chạy, để lại hàng nghìn người dân thoi thóp vì đói, khát.

Được quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ, “đói cho ăn, ốm đau cho thuốc,” dần dần, người dân Campuchia đã hiểu được việc bộ đội tình nguyện Việt Nam sang cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Từ đó, nhân dân Campuchia đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam truy quét tàn quân Pol Pot, tình nghĩa quân-dân Việt Nam-Campuchia ngày càng gắn bó.

Với bác Nguyễn Thanh An, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn Vận tải ôtô, Tổng cục Hậu cần, những năm tháng tham gia quân tình nguyện trên đất nước Campuchia (1984-1989) vẫn còn in đậm trong tâm trí.

Bác An cho biết, những năm tháng đó, quân Việt Nam luôn được người dân Campuchia tận tình giúp đỡ.

Một trong những kỷ niệm bác nhớ nhất là một lần trực tiếp chỉ huy đoàn vận tải gồm 50 xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng vào chiến trường.

Khi đó, bọn Pol Pot thường cải trang thành dân thường. Chúng có mặt khắp mọi nơi, theo sát mọi hoạt động của đoàn xe, tìm cách ngăn chặn, phá hoại.

5 giờ sáng đoàn xe được lệnh xuất phát, đi chừng 20km, bác thấy dân Campuchia đổ ra hai bên đường và ra hiệu cho đoàn chú ý, đằng trước có quân Pol Pot mai phục. Được sự hợp tác của nhân dân Campuchia, đoàn đã dồn đội hình lên, cho các xe bọc thép, bánh lốp đi trước.

Đi được một đoạn, bất ngờ quả đạn B40 vụt qua xe và phát nổ cách đoàn xe chừng 1m. Nếu không có sự đùm bọc, hỗ trợ của nhân dân Campuchia, đoàn xe của đội sẽ bị địch phục kích; thuốc men, đạn dược, xăng dầu và những nhu yếu phẩm cần thiết cho chiến trường sẽ bị thiệt hại nặng.

35 năm qua từ sau ngày lật đổ chế độ diệt chủng, đất nước Campuchia được hồi sinh, cuộc sống của người dân Campuchia không ngừng được cải thiện, uy tín và vị thế của Campuchia cũng không ngừng được nâng cao trên thế giới.

Mối đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia càng trở nên mật thiết. Sự giúp đỡ chí tình của Đảng, Nhà nước và quân tình nguyện Việt Nam đến nay vẫn được nhân dân Campuchia ghi nhớ.

Theo bà Men Sam On, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam, cách đây 35 năm, được sự giúp đỡ chí tình của quân tình nguyện Việt Nam, dân tộc Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng.

Nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không có đất nước Campuchia như ngày hôm nay, bà Men Sam On nhấn mạnh

Cảm ơn Đảng, Nhà nước và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh trở lại, bà Men Sam On mong muốn, nhân dân hai nước tiếp tục duy trì, giữ gìn thành quả cách mạng, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, vun đắp mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển vững mạnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục