Việt Nam-Campuchia: Không ngừng củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Manet có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia-Việt Nam.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 11 và 12/12/2023.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet kể từ khi Campuchia thành lập Chính phủ mới vào tháng 8/2023. Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên tất cả các mặt chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thương mại biên giới, đầu tư, lao động, giáo dục, giao lưu nhân dân… đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia phát triển tốt đẹp

Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967. Sự kiện trọng đại này đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam-Campuchia đã và đang được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài."

Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, thực hiện hiệu quả các nội dung Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế quốc tế của mỗi Đảng, mỗi nước.

Năm 2005, Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương là láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Với định hướng đó, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Quan hệ Việt Nam-Campuchia đã và đang được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài."

Quan hệ chính trị Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo Cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức kể cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế hợp tác thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu.

Các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận, Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng của hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) tuần tra tại khu vực cột mốc 314 - cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, tại ấp Xà Xía, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. (Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt/TTXVN)

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia.

Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.

Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia. Hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.

Tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Campuchia phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam Campuchia đạt 10,57 tỷ USD, tăng khoảng 10,88% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.

Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã và đang đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia.

Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục-đào tạo, giao thông- vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... giữa hai nước cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.

Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam. Đặc biệt, hai nước luôn quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Việt Nam và Campuchia cũng phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới… Năm 2022, Việt Nam đã phối hợp và ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, cùng đóng góp thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN ứng phó các thách thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục