Việt Nam cam kết thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chuyển đổi số

Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào tiến trình chuyển đổi số toàn cầu, đại diện Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm như cần tiếp tục dỡ bỏ các rào cản về định kiến giới.
Việt Nam cam kết thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chuyển đổi số ảnh 1Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Trần Thanh Tuấn/TTXVN)

Từ ngày 6-17/3, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) diễn ra Phiên họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc với chủ đề "Vai trò của chuyển đổi sáng tạo, chuyển đổi công nghệ và vai trò của giáo dục trong kỷ nguyên số hóa nhằm đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái."

Phiên họp thu hút 201 đại diện quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có 3 tổng thống, 2 phó tổng thống, 2 thủ tướng, 6 phó thủ tướng, 117 bộ trưởng, 16 thứ trưởng.

Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định việc ứng dụng khoa học công nghệ số hướng tới mục tiêu bình đẳng giới đòi hỏi quyết tâm chính trị và hành động thực tế của các chính phủ và sự sẵn sàng chuyển đổi của các thành phần liên quan trong xã hội.

Đại diện Việt Nam nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này như Chính phủ đã thông qua Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số đến năm 2025, Tầm nhìn đến năm 2030 và lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới như xếp hạng thứ 83 về chỉ số tổng thể; đứng thứ 31 về chỉ số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế; có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 62,5%, cao hơn mức bình quân toàn cầu 56%. Các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam được tạo điều kiện bình đẳng để khai thác công nghệ số và các ứng dụng trực tuyến.

[Đối thoại về bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam]

Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào tiến trình chuyển đổi số toàn cầu, đại diện Việt Nam cũng chia sẻ một số kinh nghiệm như cần tiếp tục dỡ bỏ các rào cản về định kiến giới trong vấn đề hướng nghiệp, giáo dục đào tạo chuyên ngành khoa học tự nhiên; thu hẹp khoảng cách giới trong vấn đề số; bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng các thành quả của sự tiến bộ về khoa học, công nghệ; tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng để tìm việc làm trong thời kì chuyển đổi số.

Tại phiên thảo luận chung, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo do các tập tục xã hội lạc hậu, tư tưởng phụ hệ, định kiến lâu đời đối với các quyền của phụ nữ và trẻ em gái chưa được đảm bảo, thậm chí một số nước vẫn phản đối đưa quan điểm giới vào chính sách. Thực tế chỉ có 19% phụ nữ ở các nước kém phát triển được sử dụng Internet; tỷ lệ nữ theo học hoặc làm việc trong ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, trí tuệ nhân tạo chỉ chiếm 20-50% so với nam.

Để khắc phục tình trạng trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc đề nghị ba biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, gồm tăng cường giáo dục, thu nhập, việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái ở các nước đang phát triển; hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tham gia đầy đủ và nắm chức vụ lãnh đạo về quản lý và học tập chuyên ngành khoa học, công nghệ; tạo môi trường số an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Đại diện các nước nhìn chung nêu các biện pháp chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy giáo dục và nghề nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ thông tin.

Nhiều biện pháp đã được các nước chia sẻ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định chính sách; ưu tiên tạo việc làm cho phụ nữ và ưu đãi vay vốn cho công ty khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ; trợ giá năng lượng cho các gia đình có phụ nữ là chủ hộ; tăng biên chế phụ nữ vừa học vừa làm về công nghệ số trong khu vực công; tăng cường ứng dụng kĩ thuật số cho giáo dục từ xa, giáo dục tương tác và tự học; ưu tiên cho phụ nữ tiếp cận Internet và thiết bị số chất lượng tốt, an toàn; giáo dục dạy nghề và khởi nghiệp cho phụ nữ qua mạng; tạo không gian mạng an toàn và tiếp cận công lý cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục