Việt Nam cam kết thúc đẩy đề xuất trong Chương trình hành động chung

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá cao các đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong Báo cáo Chương trình hành động chung với nhiều sáng kiến mang tính đột phá, hướng tới tương lai.
Việt Nam cam kết thúc đẩy đề xuất trong Chương trình hành động chung ảnh 1Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Ngày 3/3, Đại Hội đồng Liên hợp quốc họp tham vấn về chủ đề “Bảo vệ hành tinh và sẵn sàng cho tương lai,” tập trung vào các đề xuất về môi trường, khí hậu, y tế và hỗ trợ thế hệ tương lai được nêu trong Báo cáo Chương trình hành động chung của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Tại cuộc họp này, Việt Nam tái khẳng định cam kết cùng các nước thúc đẩy các đề xuất nêu trong báo cáo Chương trình hành động chung của Liên hợp quốc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đại Hội đồng Khóa 76 Abdulla Shahid nhấn mạnh nhiều vấn đề mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra là rất kịp thời trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về môi trường, y tế và biến đổi khí hậu.

Ông Shahid kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay đối phó với các thách thức này, bổ sung thêm các biện pháp, cách làm và thảo luận thấu đáo về các đề xuất của Tổng Thư ký nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những thế hệ tương lai.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohamed nhấn mạnh trong Báo cáo Chương trình hành động chung, Tổng Thư ký Guterres đã kêu gọi tất cả các nước, các bên liên quan nhận thức những thách thức chung và quan tâm đến lợi ích của các thế hệ tương lai ngay từ bây giờ.

Bà Mohamed kêu gọi các quốc gia cần hành động ngay, trao đổi về các biện pháp cụ thể, trong đó có những sáng kiến của Tổng Thư ký, để cùng ứng phó với các vấn đề lâu dài, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chiến lược tiêm chủng toàn cầu của WHO.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá cao các đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong Báo cáo Chương trình hành động chung với nhiều sáng kiến mang tính đột phá, hướng tới tương lai, rất quan trọng đối với Việt Nam, các nước đang phát triển và cả thế giới.

[Việt Nam lên tiếng kêu gọi đối thoại, bảo vệ người dân Ukraine]

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định việc kết hợp thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cùng những cách làm mới, trong đó có các sáng kiến mới của Tổng Thư ký, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các ưu tiên, kế hoạch quan trọng của cộng đồng quốc tế.

Về các sáng kiến như việc bổ nhiệm đặc phái viên cho các thế hệ tương lai, phòng thí nghiệm tương lai, hoặc một cơ chế ứng phó khẩn cấp với các khủng hoảng toàn cầu, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng nếu được thực hiện đúng cách có thể giúp huy động nguồn lực cho các cơ chế hiện có. 

Việt Nam cam kết thúc đẩy đề xuất trong Chương trình hành động chung ảnh 2Việt Nam ủng hộ kế hoạch tiêm chủng toàn cầu. (Ảnh: THX/TTXVN)

Về vấn đề y tế, Đại sứ tái khẳng định Việt Nam ủng hộ kế hoạch tiêm chủng toàn cầu và hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận công nghệ y tế, tăng cường thể chế và tài chính cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Về biến đổi khí hậu, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sẽ không xây nhà máy điện than mới.

Đại sứ bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký về việc hỗ trợ tài chính, chia sẻ công nghệ cho các nước đang phát triển, trong đó cần tính tới lợi ích và những quan ngại của các nước bị ảnh hưởng nhất như các nước đảo nhỏ và các nước đang phải đối mặt với các rủi ro nghiêm trọng.

Trong quá trình ứng phó với các vấn đề lâu dài đó, Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận mang tính dài hơi, coi trọng chuyên môn và nghiên cứu đầy đủ, trong đó Báo cáo định kỳ về tầm nhìn chiến lược và rủi ro toàn cầu có thể là một cách làm sáng tạo. 

Báo cáo Chương trình hành động chung của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, hướng tới 25 năm tới trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối phó với các thách thức lớn về hòa bình, an ninh, dịch bệnh và các vấn đề toàn cầu khác.

Theo Nghị quyết 76/6 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại Hội đồng sẽ tiến hành các cuộc tham vấn với các quốc gia, các tổ chức Liên hợp quốc, giới học giả, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để trao đổi về nội dung và các đề xuất trong báo cáo. Một số nội dung lớn trong báo cáo gồm có: đẩy nhanh và mở rộng SDGs; thúc đẩy hòa bình, luật pháp quốc tế và hợp tác số; bảo vệ hành tinh và tăng cường hợp tác quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục