Việt Nam cam kết đồng hành cùng UNESCO vì một nền văn hóa phát triển bền vững

Việt Nam mong muốn lan tỏa thông điệp, kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là các thành viên UNESCO chung tay tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thế giới.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO tiếp Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều 16/11 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.

Tháp tùng Bộ trưởng có bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO; bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế. Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới và ông Ahmed Zaouche, Cố vấn cao cấp của Tổng Giám đốc UNESCO về văn hóa cùng dự.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cám ơn bà Tổng Giám đốc, mặc dù bận rộn với chương trình dày đặc của Đại hội đồng lần thứ 42 có sự tham dự của hơn 60 đại biểu cấp bộ trưởng từ các nước thành viên, vẫn dành thời gian tiếp song phương đoàn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng chia sẻ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về phát triển văn hóa có sự tương đồng với tinh thần của Tuyên bố Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và sự phát triển bền vững (Mondiacult 2022), theo đó Việt Nam coi văn hóa là động lực của phát triển kinh tế-xã hội, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Trong các chương trình hành động, Chính phủ Việt Nam đều thiết kế khung chính sách văn hóa tiến bộ, đáp ứng quyền công dân trong việc thụ hưởng và tham gia vào đời sống văn hóa.

Từ sau tháng 9/2022, khi Việt Nam vinh dự được đón tiếp bà Tổng Giám đốc UNESCO tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới tổ chức tại Ninh Bình, đã có nhiều kết quả trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Việt Nam đã được UNESCO công nhận mới 1 Di sản Thiên nhiên Thế giới (vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà), 1 Di sản Văn hóa Phi Vật thể trong Danh sách Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật làm gốm của người Chăm), 2 Di sản Tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) và ngày 31/10 vừa qua, bà Tổng Giám đốc đã ký quyết định công nhận 2 thành phố Đà Lạt và Hội An là thành phố sáng tạo của UNESCO, nâng tổng số danh hiệu được UNESCO công nhận trong lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý lên con số 35 (8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 Di sản Văn hóa Phi Vật thể, 3 Di sản Tư liệu Thế giới, 6 Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 3 danh hiệu Thành phố Sáng tạo).

Năm 2023, Việt Nam cũng tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể tại Phú Thọ và một số địa phương liên quan, qua đó tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này tại Việt Nam.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris ngày 16/11. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thông báo để bà Audrey Azoulay biết Chính phủ Việt Nam quan tâm giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới với nguồn lực lớn, coi trọng việc chấn hưng, phát triển văn hóa cũng như chương trình xóa đói giảm nghèo để thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ trước đây.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam-UNESCO trong thời gian sắp tới, khẳng định đóng góp của Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Bộ trưởng đề xuất bà Tổng Giám đốc và UNESCO quan tâm hỗ trợ Việt Nam kinh nghiệm, chuyên gia quốc tế, cập nhật các hướng dẫn, quy định liên quan của UNESCO trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Dự thảo Luật Di sản Văn hóa để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về di sản văn hóa tại Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả thành công của Dự án thí điểm của UNESCO về Chỉ số văn hóa nhằm triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và Thừa Thiên-Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, xây dựng Bộ Chỉ số Văn hóa Quốc gia, qua đó đánh giá tổng thể, đầy đủ đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cảm ơn UNESCO quan tâm hỗ trợ Bộ xây dựng và triển khai Bộ Chỉ số Văn hóa Quốc gia.

Bộ trưởng khẳng định với tư cách là một thành viên tích cực, trách nhiệm của UNESCO, đồng thời là một ứng cử viên cho vị trí thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, cũng như là thành viên Ủy ban liên Chính phủ các Công ước 2003, 2005, Việt Nam mong muốn lan tỏa thông điệp, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thành viên trong gia đình UNESCO chung tay tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản Thế giới trên phạm vi toàn cầu, góp phần gìn giữ, truyền bá những kho tàng văn hóa vô cùng quý giá này đến các thế hệ tương lai của chúng ta.

Việt Nam hiện tích cực hỗ trợ các bạn Lào xây dựng Hồ sơ Him-nậm-nô trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới và mong muốn UNESCO ủng hộ nỗ lực này của hai nước.

Bên cạnh việc đề nghị UNESCO quan tâm đến các hồ sơ đang đệ trình của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng mong muốn UNESCO quan tâm tiếp nhận các cán bộ Việt Nam đến làm việc tại các cơ quan chuyên môn của UNESCO, qua đó góp phần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm chuyên môn của Việt Nam, khẳng định đóng góp của Việt Nam đối với UNESCO.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, trân trọng cám ơn và bày tỏ sự hiện diện của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại UNESCO thể hiện sự gắn bó và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các mục tiêu của UNESCO.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, trân trọng cám ơn và bày tỏ sự hiện diện của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại UNESCO thể hiện sự gắn bó và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các mục tiêu của UNESCO.

Nhắc lại về chuyến thăm của mình đến Việt Nam, bà cho biết đã chứng kiến những giá trị quan trọng của Việt Nam đóng góp cho sự nghiệp UNESCO. Đó là chuyến công tác đáng nhớ, khi bà được tận mắt chiêm ngưỡng các Di sản Văn hóa Thiên nhiên thế giới của Việt Nam cùng sự giàu có của kho tàng Di sản Văn hóa Phi Vật thể.

Tổng Giám đốc UNESCO bày tỏ ấn tượng về Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa mà Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời thể hiện sự quan tâm sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình sửa đổi Luật Di sản Văn hóa.

Bà mong muốn Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong việc ủng hộ văn hóa trở thành một mục tiêu phát triển riêng trong Chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc sau 2030.

Bà chúc Việt Nam đạt thành công trong kỳ họp Ủy ban Di sản Thế giới lần này và mong muốn Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động của UNESCO trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục