Việt Nam cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

Việt Nam cam kết sẽ là một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh.
Việt Nam cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay, 24/4, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh. Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “minh bạch-trách nhiệm-bền vững” mà Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.

“Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp,” Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nói.

Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) phát biểu khai mạc trực tuyến đã nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước.

Việt Nam cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững ảnh 2Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm và đề xuất các giải pháp. Nội dung xoay quanh các vấn đề như: Mô hình, kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực, thực phẩm; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực, thực phẩm; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực, thực phẩm; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.

[Các nước G7 họp bàn tìm cách đảm bảo an ninh lương thực]

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có COVID-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao.

Ngay trước thềm hội nghị này, ngày 22/4, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại thành phố Miyazaki, Nhật Bản để tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực ổn định. Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí sẽ mở rộng sản xuất lương thực và hỗ trợ những nước đang phát triển tăng cường an ninh lương thực trên cơ sở thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Việt Nam cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững ảnh 3Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại phiên tọa đàm ngay sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước “3 biến” rất lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

“Việt Nam cần phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường được bền vững,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục