Sáng 19/7 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và Tổ chức Động vật Châu Á đã ký kết thoả thuận hợp tác (MOU) với mục tiêu là xây dựng lộ trình và các kế hoạch cần thiết để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và bảo tồn số lượng gấu còn lại trong tự nhiên.
Lễ ký thoả thuận có sự tham gia của tiến sỹ Jill Robinson. MBE, Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật châu Á; Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp và các cán bộ chuyên trách của Tổng cục Lâm nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã.
Các số liệu năm 2015 của Văn phòng CITES cung cấp, có khoảng 1.245 cá thể gấu ngựa đang bị nuôi nhốt trong 430 trại nuôi nhốt gấu trên toàn Việt Nam. Do những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, cùng với việc tăng cường giám sát của lực lượng kiểm lâm và các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm giảm tiêu thụ mật gấu, các chủ trại gấu có xu hướng chuyển giao gấu nuôi cho Chính phủ.
[Chuyển giao 3 cá thể gấu ngựa cho Khu du lịch Công viên nước Củ Chi]
Hơn nữa, để giải quyết triệt để việc săn bắt gấu từ tự nhiên và khai thác gấu nuôi trái phép, cần có lộ trình đưa toàn bộ số gấu trang trại trên về các trung tâm cứu hộ.
Theo biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ cam kết hợp tác và phối hợp cùng với các bên liên quan tăng cường quản lý bảo tồn gấu trên phạm vi toàn quốc thông qua các hoạt động như: Hoàn thiện chính sách bảo tồn gấu; Truyền thông và tăng cường thực thi pháp luật về quản lý, giám sát hoạt động nuôi gấu; Tăng cường năng lực của các trung tâm cứu hộ gấu; Tổ chức nghiên cứu, truyền thông và các hoạt động khác nhằm bảo tồn gấu trong tự nhiên.
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp đánh giá cao thành công của mô hình Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam và những nỗ lực của Tổ chức Động vật châu Á trong việc chăm sóc, cứu hộ gấu trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động phối hợp trong nghiên cứu, triển khai thực hiện công tác quản lý bảo tồn gấu trong toàn quốc.
Tiến sỹ Jill Robinson. MBE, Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á ghi nhận sự hỗ trợ và hợp tác của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và khẳng định sự liên kết giữa hai bên là vô cùng quan trọng, và Tổ chức Động vật châu Á sẽ làm hết sức để đảm bảo hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị đạt hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý bảo tồn gấu ở Việt Nam.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác được tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức Động vật châu Á phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động cần thiết để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật, tăng cường quản lý chặt chẽ gấu nuôi ở các trung tâm cứu hộ đạt chuẩn và bảo tồn gấu trong môi trường tự nhiên tại Việt Nam./.
Tổ chức Động vật Châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tài trợ, xây dựng và đang vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Tổ chức đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam cách đây 9 năm, và hiện đã cứu hộ được 186 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 170 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Đồng thời, về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật châu Á đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, với ngành Kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu.