Lợi dụng tín ngưỡng để chống phá - Tất yếu không được đồng thuận

Việt Nam - Bức tranh đa sắc màu của đất nước tự do tôn giáo

Tiếp tục chủ đề về bức tranh tôn giáo đa sắc màu dưới chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bài viết dưới đây đề cập vấn đề lợi dụng tự do tín ngưỡng để chống phá.
Các tín đồ chức sắc Tin Lành, bà con dân tộc Mông tập trung ở Pờ Ngài, một trong 7 điểm sinh hoạt tôn giáo ở xã Huổi Luông để cùng hát Thánh ca, nghe đọc kinh Thánh và cầu nguyện. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Bài cuối: Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá - Tất yếu không được đồng thuận

Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời với nhiều quy định mới, thông thoáng, cởi mở đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Luật đã cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp 2013, đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời quy định tương thích và phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

[Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Hòa hợp tôn giáo với chính quyền]

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này. Với khung khổ pháp lý có nhiều ưu điểm, tiến bộ, đến nay sau hơn 4 năm triển khai, các văn bản trên đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân tôn giáo đón nhận, tích cực thực hiện; bước đầu đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhìn lại hơn 4 năm thực hiện Luật, ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), khẳng định Luật tạo hành lang pháp lý ổn định để các tôn giáo hoạt động theo khuôn khổ pháp luật và đúng Hiến chương, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc.

Gắn bó, đồng hành với chính quyền

- Sau hơn 4 năm thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ông nhận thấy Luật đã tạo điều kiện như thế nào cho các tổ chức tôn giáo trong hoạt động hành đạo?

Ông Nguyễn Văn Long: Điều này cần nhìn nhận từ hai phía. Về phía Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ, đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sau khi Luật ra đời, nên các tổ chức tôn giáo đã hiểu và chấp hành đúng quy định. Luật tạo hành lang pháp lý ổn định để các tôn giáo hoạt động theo khuôn khổ pháp luật và theo đúng Hiến chương, đường hướng hành đạo, gắn bó đồng hành với dân tộc.

Phía các tổ chức tôn giáo đã được tuyên truyền và đón nhận thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trong 4 năm qua, có 3 tôn giáo được công nhận về tổ chức và gần 500 tổ chức tôn giáo trực thuộc được chính quyền các cấp công nhận; hàng nghìn điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung được chính quyền cho phép sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân.

Đều đặn tối thứ năm, thứ bảy và sáng chủ nhật hàng tuần các giáo dân đến điểm sinh hoạt tập trung. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Đáng chú ý là đã có hàng trăm khách quốc tế, các đoàn tôn giáo nước ngoài vào tìm hiểu về tình hình đời sống tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và có trên 200 đoàn chức sắc tôn giáo ở trong nước tham gia hội thảo, hội nghị tôn giáo quốc tế.

Phải nói là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã luật hóa những quy định cụ thể để các tổ chức tôn giáo thực hiện. Đặc biệt là hoạt động tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam đã được quy định rất chặt chẽ, tạo sự tin tưởng của các tổ chức tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước ta về thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong 4 năm qua.

- Bên cạnh Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 162/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của luật. Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời cùng với luật. Như vậy, chúng ta có một khung pháp lý khá đầy đủ. Nhìn lại hơn 4 năm qua các tổ chức tôn giáo đã chấp hành chính sách, pháp luật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Long: Trong quá trình hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo thực hiện, chấp hành quy định của pháp luật rất tốt.

Thứ nhất là trong quá trình đại hội, hội nghị thường niên của các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo có văn bản, có thông báo đến các cơ quan chức năng, chính quyền.

Thứ hai là quá trình phong phẩm, bầu cử, suy cử và bổ nhiệm chức sắc tôn giáo, các tôn giáo cũng có văn bản gửi thông báo đến cơ quan chính quyền. Điều này cho thấy sự chấp hành pháp luật của chức sắc và đồng bào có đạo trong 4 năm qua.

Thứ ba, về phía chính quyền đã thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm được chi phí cho chức sắc tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã cấp 13 tài khoản cho tổ chức tôn giáo để họ truy cập, thực hiện thủ tục trực tuyến khi có nhu cầu và theo dõi quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định 162/NĐ-CP ban hành cùng với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc, đặc biệt là việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam.

Luật cũng đã tạo điều kiện cho người nước ngoài được tham gia học tập tại cơ sở thờ tự, tham gia các hoạt động nghi lễ tôn giáo tại cơ sở thờ tự tại Việt Nam. Qua đó cho thấy Luật, Nghị định đã được ban hành kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chức sắc và đồng bào có đạo.

- Có thể thấy mỗi tôn giáo có hệ thống giáo lý, giáo luật và đường hướng hành đạo khác nhau, nhưng có một điểm chung là tinh thần hòa hợp dân tộc và truyền thống yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi.” Ông đánh giá như thế nào về vai trò các tôn giáo thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Long: Trong lịch sử kháng chiến của dân tộc, các tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành với chính quyền. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra bản Tuyên ngôn độc lập về thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, các giám mục và đồng bào Công giáo của giáo phận Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình có viết thư gửi Người, nói rằng: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại.”

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, Phật giáo cũng đã cởi áo cà sa, khoác chiến bào.

Trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa, đã 3 lần Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương chức sắc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, đồng bào tôn giáo đã hưởng ứng rất sớm các phong trào thi đua yêu nước, phát động tham gia công tác phòng, chống dịch, đã ủng hộ kinh phí đến hàng trăm tỷ đồng. Đó chính là sự đồng hành, gắn bó của các tôn giáo và tính xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng

- Thưa ông, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, còn nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ. Thời gian tới, chúng ta cần tháo gỡ những vấn đề gì về thể chế?

Ông Nguyễn Văn Long: Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định, tôn giáo là một nguồn lực trong phát triển đất nước. Hiện nay, Ban Tôn giáo Chính phủ đang tham mưu với Chính phủ và Bộ Nội vụ chuẩn bị hoàn thiện, tổng kết 5 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục xây dựng luật hoàn thiện, tương thích với các luật chuyên ngành khác.

Trong quá trình thực hiện Luật, Nghị định 162/NĐ-CP, có một số nội dung thực tiễn đòi hỏi cần phải điều chỉnh.

Thứ nhất, đó là địa điểm hợp pháp của tổ chức tôn giáo hiện nay cũng đang còn quy định rộng.

Thứ hai là chế tài xử lý những hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo, tà đạo, đạo lạ trái thuần phong mỹ tục cũng cần phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba là về lý lịch tư pháp, cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Thứ tư là việc phục hồi hoặc hình thành một số cơ sở tín ngưỡng mới, vấn đề này chưa được quy định trong Nghị định.

Những điều này Ban soạn thảo, Tổ biên tập đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu trình Chính phủ trong thời gian tới.

Nội dung thứ năm, đó là vấn đề truyền đạo trên không gian mạng cũng chưa được quy định trong văn bản pháp luật, để chúng ta có cơ sở, hành lang quản lý và những vấn đề này cần phải tháo gỡ trong Nghị định 162/NĐ-CP.

Sau khi Chính phủ có chỉ đạo, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tổng kết 5 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tham mưu sửa đổi các nội dung trên.

- Thực tế cho thấy Đảng và Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Song đây cũng là một lĩnh vực nhạy cảm nên mỗi khi có vấn đề xã hội phát sinh, một số đối tượng thù địch, phản động thường tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá, âm mưu phá vỡ khối đại đoàn kết của dân tộc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Long: Chúng tôi cũng phải khẳng định ngay, tất cả những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng những vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội để lôi kéo, kích động chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, gây phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa phương trong thời gian vừa qua không nhận được sự đồng thuận của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo.

Bởi vì thực tế, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Chẳng hạn, Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế như 3 lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, có đại biểu từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đến. Rồi 100 năm Tin lành đến Việt Nam, rồi Đại hội đồng Giám mục Á châu cũng tổ chức tại Việt Nam, cho thấy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đảm bảo.

Lễ chính thức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động bên ngoài vẫn đang lợi dụng những thông tin thiếu thiện chí từ một số đối tượng cực đoan, có định kiến với Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc trên các không gian mạng, bôi nhọ, vu cáo chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; cho rằng chúng ta vi phạm tự do và đàn áp tôn giáo.

Nếu không có chủ trương, chính sách nhất quán thì trong thời gian qua chúng ta không có 43 tổ chức tôn giáo và 16 tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Bài 1: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

 Bài 2: Thuận lợi trong việc sống đạo, giữ đạo và bày tỏ đức tin

Bài 3: Tốt đời, đẹp đạo

Bài 4: Nỗ lực thực thi các công ước quốc tế về quyền con người

Đón đọc bài cuối: Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá - Tất yếu không được đồng thuận

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục