Việt Nam-Bỉ hợp tác xây dựng thành phố thích ứng điều kiện khí hậu

Tổng Giám đốc Công ty Hydroscan cho biết việc thiết kế chống chịu lũ lụt là rất cần thiết, không chỉ là vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mang lại lợi ích cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chiều 15/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư vùng Flanders (FIT)-Vương quốc Bỉ tổ chức Hội thảo kết nối “Hợp tác kinh tế song phương Việt Nam và Flanders, Vương quốc Bỉ về xây dựng thành phố bền vững, thích ứng điều kiện khí hậu.”

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, quan hệ song phương Việt Nam-Bỉ trải qua 50 năm phát triển đã chuyển từ hợp tác nhân đạo thuần túy mở rộng thành quan hệ đối tác kinh tế và ngày càng hiệu quả.

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương tăng cường quan hệ ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả với Vương quốc Bỉ - thành viên sáng lập và có tiếng nói quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU).

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, Vương quốc Bỉ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng. Từ năm 2015 đến nay, hai bên đã triển khai nhiều dự án thiết thực về phát triển cảng biển, nông nghiệp, y tế, xã hội.

Kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế 7 tháng năm 2023 giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Vương quốc Bỉ đạt gần 400 triệu USD. Vương quốc Bỉ có 89 dự án đang hoạt động tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD; riêng Thành phố Hồ Minh có 43 dự án, vốn đầu tư gần 9,5 triệu USD.

[TP.HCM và vùng Flanders của Bỉ hợp tác phát triển Kinh tế Xanh]

Về quan hệ Thành phố Hồ Chí Minh-vùng Flanders (Bỉ), ông Ngô Minh Châu cho biết, bản ghi nhớ được ký tháng 12/2016 về hợp tác nông nghiệp giữa hai địa phương là cơ sở quan trọng để tăng cường hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững. Điều này đặt tiền đề cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác, cụ thể là xây dựng đô thị bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Jan Jambon, Bộ trưởng-Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chia sẻ về những kinh nghiệm của vùng Flanders, ông Jan Jambon, Bộ trưởng-Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders đã nhấn mạnh đến 3 sáng kiến. Đầu tiên là thỏa thuận xanh nhằm giải quyết các vấn đề khan hiếm nước cũng như lũ lụt. Thông qua sự kết hợp các biện pháp bảo vệ cứng rắn ở các khu vực đô thị, Flanders đang chuẩn bị để ứng phó với mực nước biển dâng cao cũng như mưa xối xả và hạn hán.

Cùng với đó, chính sách chuyển đổi môi trường được xây dựng nhằm bảo vệ không gian trống ở khu vực thành thị và nông thôn. Flanders đang áp dụng một cách mới để xem xét quy hoạch đô thị, đô thị hóa có tính đến nhiều yếu tố như khả năng di chuyển, không gian xanh... Việc xây dựng thỏa thuận xanh phản ánh cách thiết kế các tòa nhà theo hướng bền vững hơn.

“Trong dự án này, một số công cụ và hướng dẫn hỗ trợ chính sách cũng được phát triển cho các tòa nhà bền vững. Dự án này minh họa cách tiếp cận đổi mới của người dân Flanders. Sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, chính phủ và các công ty cũng để tìm ra giải pháp mới,” Jan Jambon chia sẻ.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã nêu ra nhiều giải pháp thiết kế độ thị phù hợp mật độ dân cư và xây dựng cao, giải pháp tiên tiến, kỹ thuật xây dựng bền vững, thiết kế chống lũ lụt... để có thể hướng tới mục tiêu xây dựng lối sống xanh, hòa hợp với thiên nhiên, xây dựng một đô thị xanh, thông minh.

Ông Steven Petit, Giám đốc sáng tạo Công ty Omegeving (chuyên về kiến trúc và quy hoạch) chia sẻ, ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có rất nhiều thách thức trong tình hình biến đổi khí hậu.

Để thích ứng, cần phải thiết kế đô thị dựa trên thiên nhiên, làm sao thành phố chống chịu được lũ lụt, ngập lụt. Đó có thể là thiết kế một vùng nước giữa đô thị để tạo môi trường xanh cho người dân.

Cùng quan điểm trên, theo ông Patrick Swartenbroeckx, Tổng Giám đốc Công ty Hydroscan (chuyên về dịch vụ môi trường), việc thiết kế chống chịu lũ lụt là rất cần thiết, không chỉ là vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mang lại lợi ích cho người dân.

Hội thảo là minh chứng cho tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ cũng như tinh thần trách nhiệm của hai nước trong việc xây dựng thế giới xanh, hiện đại và bền vững.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp của Việt Nam và Vương quốc Bỉ gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Bỉ như xây dựng thông minh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn./. 

Các chuyên gia thảo luận về xây dựng thành phố bền vững, thích ứng điều kiện khí hậu. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục