Nhân kỷ niệm 59 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria (28/10/1962-28/10/2021), phóng viên TTXVN tại Algeria đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Algeria, ông Nguyễn Thành Vinh, xoay quanh việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Algeria trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, đặc biệt việc hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Về kết quả đạt được trong hoạt động ngoại giao giữa hai nước trong 2 năm qua, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng và tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của các nước, trong đó có hoạt động ngoại giao, trao đổi đoàn giữa các nước, Đại sứ quán đã có nhiều nỗ lực tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của địa bàn nhằm tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Algeria.
Một số hoạt động tiêu biểu như đẩy mạnh cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp hai bên, tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến/trực tiếp để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu tiềm năng và tìm kiếm đối tác, thúc đẩy điện đàm giữa lãnh đạo Bộ ngoại giao hai nước, tổ chức các triển lãm về tư liệu lịch sử về quan hệ hai nước, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phong cảnh địa danh nổi tiếng của mỗi nước, các hoạt động giao lưu thể thao, võ thuật, ẩm thực, tăng cường quan hệ và cung cấp thông tin cho báo chí sở tại về Việt Nam, giữ liên hệ chặt chẽ với công dân Việt Nam đang làm ăn tại sở tại.
Theo Đại sứ Nguyễn Thành Vinh, các hoạt động thiết thực và ý nghĩa này đã mang đến nhiều kết quả cụ thể như duy trì được mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa Chính phủ và Bộ Ngoại giao hai nước, khẳng định và củng cố hơn mối quan hệ truyền thống, hữu nghị dựa trên lịch sử chung của hai nước; thiết lập và kết nối liên hệ trực tiếp giữa nhiều doanh nghiệp hai nước, giúp doanh nghiệp hiểu hơn về thị trường và đối tác tiềm năng; người dân Algeria có nhiều thông tin hơn về Việt Nam, đặc biệt qua báo chí, phim ảnh về đất nước, con người Việt Nam được giới thiệu trong hai năm qua.
Hiện, hai nước đang chờ dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên cơ sở tiêm chủng đại trà để tiến hành họp Ủy ban liên chính phủ lần thứ 12 và Tham vấn chính trị giữa hai Bộ ngoại giao cũng như việc các doanh nghiệp Algeria, Việt Nam sẽ tiến hành chuyến đi thăm mỗi nước để tìm hiểu thị trường.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động không phải đều mang lại kết quả ngay mà cần thêm thời gian để nhìn thấy rõ.
Về kết quả hợp tác song phương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong năm 2021, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Algeria là quan hệ hữu nghị truyền thống, đã được vun đắp, thử thách, củng cố trong suốt gần 60 năm qua.
[Việt Nam và Algeria thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại]
Đây là mối quan hệ các thế hệ cha ông chúng ta thiết lập và phát triển, hiện chúng ta có nhiệm vụ củng cố và mở rộng. Về mặt chính trị, lãnh đạo hai bên đều đánh giá cao quan hệ hai nước, cam kết thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.
Hai bên thường xuyên trao đổi, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Quan hệ chính trị tốt đẹp này là cơ sở cho quan hệ trên các lĩnh vực khác.
Về quan hệ kinh tế, ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước chưa ngang tầm với quan hệ chính trị cũng như tiềm năng của hai nước.
Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại đạt khoảng 110 triệu USD, chịu tác động lớn của dịch bệnh và xáo động vận tải đường biển.
Hiện, chỉ có một doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở Algeria trong lĩnh vực dầu khí, chưa có doanh nghiệp Algeria sang đầu tư ở Việt Nam. Doanh nghiệp của hai bên chưa có nhiều thông tin về nhu cầu, tiềm năng của thị trường mỗi nước.
Hợp tác song phương Việt Nam-Algeria có điều kiện phát triển và mở rộng dựa trên một số yếu tố: Hai nước có sự tương đồng về lịch sử, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống được xây dựng và thử thách hơn 60 năm qua, lãnh đạo hai nước có chủ trương tăng cường quan hệ song phương, người dân có tình cảm và mến mộ lẫn nhau; hai nước có nền kinh tế mang tính bổ trợ nhau.
Quan hệ hai nước cũng gặp một số khó khăn, trở ngại như khoảng cách địa lý khá xa, hạn chế khả năng giao lưu của người dân, văn hóa và hàng hóa.
Khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo đã hạn chế rất lớn sự hiểu biết, nắm bắt thông tin về mỗi nước.
Khó khăn lớn nhất về kinh tế hiện nay là Algeria chưa là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên nhiều chính sách thương mại, thuế và đầu tư chưa phù hợp với các quy định chung của WTO, do đó chưa khuyến khích được hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài ở Algeria.
Đại sứ Nguyễn Thành Vinh cũng cho biết năm 2022 là năm kỷ niệm 60 năm Algeria giành được độc lập và cũng là 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Để đánh dấu năm mang nhiều ý nghĩa lịch sử này, Việt Nam và Algeria chắc chắn sẽ tổ chức nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau.
Thực hiện kế hoạch Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Algeria-Việt Nam, về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria dự kiến sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trong đó bao gồm các hoạt động chính như phối hợp chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ, phục vụ tốt hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp giữa hai nước.
Nhân các chuyến thăm này, lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi và thống nhất những phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới; thúc đẩy việc chuẩn bị và tổ chức họp Ủy ban hợp tác liên chính phủ lần thứ 12 và tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao cũng như các cuộc trao đổi, gặp gỡ khác giữa các bộ, ngành hai nước;
Tăng cường kết nối, tìm kiếm đối tác giữa doanh nghiệp hai nước, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức chuyến thăm tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác của doanh nghiệp nước này tại nước kia;
Phối hợp với các bộ, ngành và các hiệp hội tổ chức các hoạt động tuần/ngày văn hóa Việt Nam ở Algeria hoặc ngày/tuần văn hóa Algeria ở Việt Nam để tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa nhân dân hai nước;
Tổ chức triển lãm ảnh/tư liệu lịch sử về quan hệ ngoại giao, về các lãnh đạo tiền bối của hai nước; và đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị/hội thảo trực tuyến kết nối các nhà nghiên cứu, học giả, doanh nghiệp, hiệp hội hai nước để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thảo luận về hình thức trao đổi trực tiếp./.