Việt Nam, Algeria còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy thương mại và đầu tư

Algeria là một nước nhập khẩu nhiều hàng hóa nên hợp tác trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng là một lĩnh vực có tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh. (Ảnh: Tấn Đạt/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 58 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Algeria và Việt Nam (28/10/1962-28/10/2020), phóng viên TTXVN tại Algeria đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua cũng như tiềm năng phát triển.

Đại sứ Nguyễn Thành Vinh khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Algeria là mối quan hệ hợp tác hữu nghị và truyền thống, hình thành trước cả khi Algeria giành được độc lập, và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeria vào năm 1958.

Sau khi Algeria giành được độc lập vào năm 1962, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức ngày 28/10/1962. Trải qua gần 60 năm, quan hệ hai nước đã vượt qua nhiều thử thách và ngày càng trở nên gắn bó, sâu đậm.

Đại sứ nhấn mạnh lãnh đạo hai nước cùng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị và truyền thống dựa trên sự tương đồng về lịch sử phát triển của hai dân tộc và có nhiều chuyến thăm trao đổi các cấp giữa hai bên.

Hai nước đã thiết lập được các cơ chế hợp tác giữa hai bên như Ủy ban Hợp tác liên chính phủ Việt Nam-Algeria, tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.

Hai nước cũng đã dành cho nhau quy chế miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và miễn lệ phí thị thực đối với công dân của nhau; thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội mỗi nước và Hội Hữu nghị nhân dân với nhiều hoạt động đa dạng nhằm tăng cường sự giao lưu và gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Hai nước đã ký 12 hiệp định và gần 20 văn bản dưới dạng thỏa thuận, nghị định thư và bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, thể thao, du lịch, tư pháp, bưu chính-viễn thông, kiểm dịch động thực vật, vệ sinh thú y, vận tải biển, giáo dục, đào tạo nghề, tài chính, nông nghiệp, xí nghiệp vừa và nhỏ... Hai nước thường xuyên trao đổi, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.

[Việt Nam-Algeria tăng cường giao thương trực tuyến trong thời dịch]

Là nước xuất khẩu dầu mỏ, hằng năm Algeria có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn. Tăng cường quan hệ kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Algeria luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm sâu sắc. Hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là càphê, hạt tiêu và hàng tiêu dùng được phía Algeria đánh giá tích cực về giá cả và chất lượng.

Tuy nhiên, mỗi khi giá dầu thế giới giảm hoặc gặp khó khăn về kinh tế, Algeria thường đưa ra những chính sách quản lý chặt ngoại hối và hạn chế nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với những hàng hóa không phải là hàng thiết yếu nên có ảnh hưởng đáng kể đến trao đổi thương mại giữa hai nước. Kinh ngạch xuất khẩu hai nước hiện ở mức 193 triệu USD năm 2019.

Hai nước đã hợp tác về đầu tư trong một dự án liên doanh khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba của Algeria. Liên doanh này đã bắt đầu khai thác thương mại từ 2015 với công suất 18.000 thùng/ngày. Hiện các bên liên doanh đang dự tính triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án để tăng gấp đôi công suất khai thác. Đây là một dự án đầu tư khai thác dầu khí của Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá là có hiệu quả tốt.

Ngoài ra, Algeria còn là một thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Tay nghề của công nhân Việt Nam được phía công ty xây dựng Algeria đánh giá cao. Hiện có khoảng 1.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Algeria, tập trung ở nhiều các công trường xây dựng rải rác ở nhiều tỉnh, thành của Algeria. 

Việc Chính phủ của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đang triển khai những chính sách cải cách kinh tế mạnh mẽ, tập trung vào tái cấu trúc lại nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp có dự định đầu tư vào Algeria.

Dựa trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và quyết tâm của lãnh đạo hai nước đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Algeria, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế-thương mại và xuất khẩu lao động, vốn là các lĩnh vực hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, sẽ có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Càphê là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Algeria. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Mặc dù vậy, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh cho rằng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Algeria vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị giữa hai nước do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vấn đề thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường của nhau là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và giao lưu, trao đổi văn hóa-du lịch giữa hai nước chưa ngang với tiềm năng của mỗi bên.

Bên cạnh đó, mối liên hệ, trao đổi trực tiếp giữa các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực giữa hai nước chưa được thiết lập hoặc đã được thiết lập nhưng chưa được duy trì liên tục và chặt chẽ khiến cho việc trao đổi thông tin, tham khảo ý kiến và các thỏa thuận hợp tác không được triển khai trên thực tế, cũng như thiếu sự đôn đốc và nhắc nhở định kỳ.

Ngoài ra, giữa hai nước hiện thiếu các thỏa thuận hợp tác cụ thể trong từng lĩnh vực (hoặc có thỏa thuận nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung cập nhật để phù hợp với tình hình hiện nay) nên chưa tạo ra các khung pháp lý cần thiết để điều chỉnh hợp tác trên nhiều các lĩnh vực. Hiện tại hai nước cũng chưa xây dựng được cơ chế giải quyết hiệu quả các bất đồng trong kinh tế, thương mại nếu có.

Theo Đại sứ Nguyễn Thành Vinh, các thỏa thuận về khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, cơ chế giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong thương mại sẽ thúc đẩy được quan tâm của doanh nghiệp mỗi nước tới hoạt động tại nước kia.

Chính sách cải cách kinh tế nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Algeria hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Hiện Algeria là một nước nhập khẩu nhiều hàng hóa do sản suất trong nước "thiếu đa dạng" nên hợp tác trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng là một lĩnh vực có tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Algeria cũng đang mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (ngoài dầu khí), doanh nghiệp Việt Nam nếu quan tâm có thể tham gia với vai trò liên doanh, liên kết hoặc nhà thầu phụ trong các dự án khai thác này.

Ngành nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp ở Algeria chưa phát triển, đặc biệt là ở vùng sa mạc Sahara đang mở ra các cơ hội sản xuất chuyên canh trong nông nghiệp.

Với thế mạnh của mình, doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông, hải sản của Algeria.

Tuy nhiên, đối với thị trường mới và nhiều tiềm năng như Algeria, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu cụ thể, rõ ràng về quy định chính sách về thương mại, đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu, thuế, phong tục, tập quán văn hóa, tôn giáo cũng như tìm kiếm đối tác tin cậy trước khi tiến hành trao đổi thương mại và đầu tư.

Đại sứ cho rằng để thúc đẩy quan hệ hợp tác văn hóa, kinh tế và xã hội giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị giữa hai nước, Việt Nam và Algeria cần hợp tác và trao đổi hơn nữa trên nhiều phương diện như: Tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi nước để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước ngày càng hiểu rõ hơn về tiềm năng và lợi thế của mỗi nước, đặc biệt là những tiềm năng và cơ hội đầu tư sản xuất ở Algeria trong giai đoạn hiện nay, để từ đó doanh nghiệp hai nước sẽ tìm ra các cơ hội hợp tác, kinh doanh và đầu tư giữa hai bên.

Thúc đẩy quan hệ và duy trì liên hệ trực tiếp giữa các bộ, ngành, địa phương và người dân hai nước để thúc đẩy trao đổi, hợp tác, tìm hiểu kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm về phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, phòng chống khủng bố cũng như tăng cường và đa dạng các hình thức giao lưu và tiếp xúc giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và nhà khoa học, sinh viên và người dân trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể thao, du lịch và y tế.

Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan liên quan của hai bên tích cực rà soát, bổ sung, cập nhật các thỏa thuận hợp tác đã ký cho phù hợp với tình hình hiện nay để tạo ra các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng, văn hóa và du lịch.

Tại kỳ họp lần thứ 11 (tháng 11/2017) của Ủy ban Hợp tác liên chính phủ Việt Nam - Algeria và nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Abdelkader Messahel (8/2018), hai bên đã nhất trí được nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian tới.

Chẳng hạn như tăng cường trao đổi đoàn, các chuyến thăm giữa hai nước, đặc biệt là các đoàn cấp cao; rà soát lại các văn bản hợp tác đã được ký kết giữa hai nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi du lịch, văn hóa, giới thiệu hình ảnh đất nước con người của mỗi nước, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, để hiểu được lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển kinh tế, cải cách cơ cấu kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục