Được mệnh danh là cái nôi của nền văn minh nhân loại, Ai Cập nổi tiếng với dòng sông Nile và những kỳ quan vỹ đại như Kim tự tháp mang nhiều huyền thoại về các vị Pharaoh hay tượng nhân sư khổng lồ...
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến thăm Ai Cập, đặt nền móng quan trọng cho sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.
Năm 1963, Ai Cập trở thành một trong những nước Ả rập đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam. Trải qua 58 năm, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố và thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam và Ai Cập duy trì trao đổi đoàn các cấp trên các kênh đảng, chính phủ, quốc hội, giao lưu nhân dân; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.
Ai Cập là cửa ngõ cho hàng Việt Nam vào thị trường châu Phi với các mặt hàng xuất khẩu chính như hải sản, tiêu đen, cà-phê, linh kiện phụ tùng ôtô... Kim ngạch trao đổi thương mại song phương duy trì ổn định ở mức khoảng 500 triệu USD.
[Đẩy mạnh hợp tác thương mại và du lịch Việt Nam-Ai Cập]
Ai Cập hiện có 3 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn hơn 2 triệu USD. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập tiếp cận với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam có thể qua Ai Cập vào thị trường Trung Đông, châu Phi.
Hai nước đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa như “Ngày văn hóa Việt Nam tại Ai Cập,” “Tuần Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Ai Cập." Ngoài ra, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ The Egyptian Gazette đã dành cả trang 6 để đăng trang trọng bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh của Người trên đất nước Kim tự tháp”...
Với tiềm năng sẵn có và những nỗ lực không ngừng của cả hai bên, quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và Ai Cập sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, vì lợi chung của hai dân tộc, vì hòa bình trên thế giới./.